Hiện nay, khi có tranh chấp xảy ra trong hoạt động kinh doanh thương mại, nếu trước đó các bên đã thỏa thuận giải quyết tranh chấp (nếu có) bằng phương thức trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại (TTTM) thì việc giải quyết khá dễ dàng, thuận lợi.
Cứ có thỏa thuận là được chọn trọng tài giải quyết
Vấn đề đặt ra là trường hợp trước khi phát sinh tranh chấp thương mại, các bên chưa có thỏa thuận chọn trọng tài thì lúc này họ có quyền lựa chọn trọng tài hay buộc phải khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Thế Cường (Chủ tịch Trung tâm TTTM phía Nam - STAC) cho biết theo khoản 1 Điều 5 Luật TTTM (quy định về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài) thì để tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, giữa các bên cần phải có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Như vậy, sau khi xảy ra tranh chấp thương mại, các bên vẫn có thể lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp nếu giữa các bên có thỏa thuận trọng tài bổ sung chứ không buộc phải kiện ra tòa.
Tuy nhiên, theo ông Cường, trên thực tế, một khi tranh chấp đã phát sinh tức là giữa các bên đã có mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, không còn tin tưởng lẫn nhau nên để các bên cùng nhau ngồi lại thỏa thuận lựa chọn một trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp là điều không khả thi. Do đó, ông Cường cho rằng tốt hơn hết ngay từ giai đoạn xác lập hợp đồng, các bên nên có điều khoản cụ thể về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Ông Cường cũng lưu ý: Khi một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Cạnh đó, khi một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, trao quyết định thành lập cho ban vận động thành lập Hội Trọng tài thương mại TP.HCM. Ảnh: KP
Ưu thế của trọng tài
Theo ông Hoàng Thế Cường, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì có nhiều cái lợi hơn, từ thời gian cho đến quy trình tố tụng so với giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án.
Cụ thể, khi tòa án xét xử thì phải tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt tất cả quy định về trình tự, thủ tục tố tụng trong BLTTDS và các văn bản hướng dẫn liên quan. Trong khi đó, thủ tục tố tụng trọng tài được Luật TTTM quy định rất linh hoạt, gọn nhẹ, tiết kiệm thời gian và công sức cho các bên trong tranh chấp.
Ngoài ra, trong tố tụng trọng tài, các bên còn có quyền tự mình quyết định một số vấn đề để tranh chấp để được giải quyết một cách thuận lợi nhất. Chẳng hạn, các bên có thể thỏa thuận để quyết định số lượng trọng tài viên của hội đồng trọng tài và tự mình lựa chọn một trọng tài viên tham gia vào hội đồng. Việc lựa chọn này rất có lợi cho các bên trong tranh chấp vì trọng tài viên được lựa chọn có thể là các chuyên gia có chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, thuế, xuất nhập khẩu hàng hóa, sở hữu trí tuệ, chứng khoán, kiểm toán, kiểm định…, phù hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong các loại tranh chấp có tính chất đặc thù, phức tạp.
Mặt khác, các bên trong tranh chấp còn có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng, ngôn ngữ, địa điểm giải quyết tranh chấp. Ở STAC, các bên còn có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn để rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp một cách tối đa mà vẫn đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Điều này ở tòa án là không thể có được vì các bên không có quyền lựa chọn rút ngắn quy trình, thủ tục tố tụng.
Cũng theo ông Cường, một điểm khác biệt cơ bản nữa giữa tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án là trong tố tụng trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác, phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, do đó bảo đảm được bí mật kinh doanh, uy tín của các bên trong tranh chấp.
Năm nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài 1. Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. 2. Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật. 3. Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. 4. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm. (Trích Điều 4 Luật TTTM 2010) |