Dư luận không khỏi thắc mắc, vì sao tiêu chí của kỳ thi năm nay, ngoài việc giảm bớt môn thi, thì cấu trúc từng môn thi cũng thay đổi để tránh học vẹt, mà HS vẫn đua nhau… gạo bài “tủ”?
Thí sinh Nghệ An trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014. Ảnh: Nghĩa Đàn
Nhiều giáo viên (GV) dạy văn phàn nàn, đề thi môn văn năm nay, HS sẽ phải làm hai phần: đọc hiểu và làm văn, nhưng ngày ra thông báo cách ngày thi chỉ hai tháng nên không đủ thời gian ôn tập kiến thức theo dạng đề mới. HS khối 12 kêu vì không biết phần đọc hiểu văn bản của đề thi sẽ được chọn từ sách giáo khoa hay bên ngoài, là văn bản văn học hay thuộc lĩnh vực khoa học, tự nhiên. Các GV thì “nóng ruột” không biết Bộ ra đề theo kiểu gì, hai, ba hay bốn câu. Nghị luận văn học, nghị luận xã hội ra từng câu riêng hay tích hợp. Vì… hoang mang nên cả thầy lẫn trò đều cố sức “gạo” các loại văn bản để đi thi, dẫn đến "hiện tượng" là chưa năm nào, môn văn được ôn luyện nhiều như năm nay.
Một chuyên viên phụ trách môn ngữ văn thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích, đề thi năm nay có thêm phần mới là đọc hiểu văn bản, nhưng việc đọc hiểu văn bản là kiến thức HS đã được học trong chương trình. Nghĩa là, kỹ năng đọc hiểu một văn bản là kỹ năng căn bản, bắt buộc phải có đối với một HS đã hoàn thành chương trình lớp 12. Nếu nắm chắc kỹ năng làm bài thì dù đề ra văn bản văn chương hay khoa học, thậm chí ngoài sách giáo khoa cũng không làm khó được HS.
Vậy thì, vì sao đề thi chỉ đưa thêm một phần kiến thức HS đã học trong chương trình lại khiến cả GV lẫn HS lo lắng đến vậy? Đơn giản bởi cách dạy và học văn trong trường phổ thông thời gian qua vẫn theo lối cũ, học để đối phó, học gì thi nấy. Thứ kỹ năng HS được trang bị không phải là kỹ năng làm bài mà là khả năng ghi nhớ và tái hiện như một “cái máy”.
Những cô cậu học trò vốn đã quen được thầy cô mớm từng bài văn mẫu; “sản xuất công nghiệp” hàng loạt hình ảnh ông nội, bà ngoại ngay từ bài văn ở bậc tiểu học, nay chỉ cần một thay đổi nhỏ là thấy… chông chênh ngay. Lỡ như đề ra mẫu văn bản mà cô giáo chưa từng ôn, hoặc văn bản ngoài sách giáo khoa, chắc chắn rất nhiều sĩ tử bị "bắt bí".
Còn nhớ, đề thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM hay đề thi tuyển sinh đại học hễ có câu hỏi “mở” là bị “ném đá”, dù đề thi có “mở” thì mới có thang để đánh giá đúng năng lực người học. Nhưng, hễ kỳ thi nào ít có điểm số đẹp thì năm đó dấy lên làn sóng cho là đề đánh đố, nằm ngoài chương trình..., dù rằng nghị luận một vấn đề xã hội thì HS phải thể hiện ý kiến cá nhân, hoặc bày tỏ quan điểm của mình về một vấn đề trong cuộc sống.
Chính vì thế, một giảng viên ngành sư phạm đã thốt lên, cách dạy và học văn như hiện nay chỉ giỏi dạy cho HS cách nói dối, cách đối phó với các kỳ thi, còn lâu mới đổi mới được đến cùng. Phát biểu trên có vẻ tiêu cực nhưng đúng với thực tế, bởi một sự thay đổi nhỏ trong cách ra đề thi môn ngữ văn theo hướng yêu cầu HS vận dụng kiến thức cũng đã làm GV, HS gặp khó. Biết đến bao giờ thầy và trò mới vững tin vào kiến thức mình truyền thụ và tích lũy được?
Theo Gia Tuệ (PNO)