Chống dịch hiệu quả cần triệt tin giả

Với những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhất là tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, ngày 19-8, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu từ ngày 23-8, TP.HCM cần thực hiện quyết liệt hơn nữa nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”…

Tin giả tràn lan

Nghị quyết 86 của Chính phủ đã đặt ra yêu cầu TP.HCM phải kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9. Do vậy, cả hệ thống đang vào cuộc quyết liệt với những giải pháp linh hoạt, mạnh mẽ để đạt mục tiêu vừa nêu. Trong đó, việc tuân thủ tuyệt đối các quy định về giãn cách xã hội là chìa khóa để có thể kiểm soát dịch bệnh.

Dù đã được cảnh báo rất nhiều lần, tuy nhiên, các vi phạm liên quan đến phòng chống dịch vẫn tiếp tục xảy ra. Phổ biến trong thời gian gần đây đó là hành vi tung tin giả về việc về quê “trốn” dịch cũng như tin giả về vaccine. Điều này gây tâm lý hoang mang cho người dân, làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch.

Cụ thể, ngày 17-8, Công an tỉnh Bình Định khẳng định công văn của tỉnh lan truyền trên mạng xã hội (MXH) với nội dung tổ chức 50 chuyến xe chở bà con gặp khó khăn ở TP.HCM về quê là giả mạo, sai sự thật.

Được biết, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị công an tỉnh phối hợp Công an TP.HCM điều tra hành vi giả mạo văn bản của cơ quan Nhà nước, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Hà Nội, ngày 20-8, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thông tin “toàn TP án binh bất động trong 7 ngày” được lan truyền “chóng mặt” trên MXH là tin giả. 

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đang xác minh, truy tìm các chủ tài khoản đăng tin sai sự thật nói trên để xử lý nghiêm theo quy định.

Cùng ngày, tại Cần Thơ, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP đã mời làm việc với hai chủ tài khoản Facebook là “Tấn Hồ” và “Đỗ Huyền Trân”do cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.

Trước đó, hai người này đã đăng tải đoạn thông tin bịa đặt việc Cần Thơ "dừng di chuyển".

Công an làm việc với chủ tài khoản Facebook "Đỗ Huyền Trân”. Ảnh: Công an cung cấp

Trong khi đó, tại TP.HCM, Công an TP Thủ Đức vẫn đang truy tìm chủ tài khoản đăng tin “tử vong sau khi tiêm vaccine Trung Quốc”. Cơ quan chức năng khẳng định cũng sẽ xử lý nghiêm các chủ Fanpage có lượng người theo dõi lớn đã chia sẻ lại thông tin sai sự thật gây hoang mang vừa nêu.

Phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM: Hành vi lôi kéo bà con về quê thông qua việc tung tin giả trên MXH là cực kì nguy hiểm. Bởi lẽ, nếu về quê có tổ chức với sự hỗ trợ của chính quyền mới có thể kiểm soát được dịch bệnh. Bản thân mỗi người khó mà biết hết được mình có bị nhiễm COVID-19 hay không.

Việc tự phát về quê sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Cho nên, dù có những khó khăn nhất định, nhưng việc “ai ở đâu ở yên đó” là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

“Đây là việc làm gây hoang mang cho người dân và có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt 5-10 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, PGS-TS Hồng Nhung nêu quan điểm.

Chủ tài khoản Facebook “Tấn Hồ” và thông tin giả Cần Thơ "dừng di chuyển". Ảnh: Công an cung cấp

Đã có trường hợp nhiều người bày tỏ thái độ một cách “quá mức cần thiết”, thậm chí có ý định chống đối lực lượng kiểm soát tại các chốt chặn khi không được cho qua chốt để về quê. Theo đó, người vi phạm có thể bị xử phạt VPHC theo Điều 20 Nghị định 167/2013 (quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…) với số tiền lên đến 5 triệu đồng do có hành vi do có hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.

“Nghiêm trọng hơn, các hành vi kích động, lôi kéo gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ, theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015”, PGS-TS Hồng Nhung nói.

Cũng theo bà Nhung, hành vi tung tin giả “bị tử vong do tiêm vaccine Trung Quốc” sẽ gây những bất an cho người dân. Hành động sai trái này có thể làm cho nhiều người không chịu tiêm vaccine, kéo theo việc chậm tiến độ phủ vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng và thời gian giãn cách có thể bị kéo dài, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế. Các hành vi này cần được xử lý nghiêm.

Tung tin giả về vaccine và hậu quả thật
Tung tin giả về vaccine và hậu quả thật
(PLO)- Hành vi tung tin giả liên quan đến vaccine gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm