Mới đây nhất, Ngân hàng Nam Á - Nam A Bank phát đi thông báo vào ngày 15-4 tới sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thu giữ và xử lý đối với chung cư Khang Gia Tân Hương, quận Tân Phú, TP.HCM nếu chủ đầu tư (CĐT) - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia không thực hiện đúng phương án trả nợ.
Trước đó, cư dân tại các dự án như chung cư The Harmona, quận Tân Bình; chung cư Gia Phú, quận Thủ Đức; chung cư Trung Đông Plaza do Công ty Tư vấn và Đầu tư phát triển Trung Đông làm CĐT cũng rơi vào cảnh mất ăn mất ngủ khi Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn, Kienlongbank thông báo thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Đối với chung cư Khang Gia Tân Hương, ngay trong thông báo của Nam A Bank, lãnh đạo ngân hàng này đã khẳng định “việc thu giữ và xử lý tài sản trên sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân ở chung cư”. Tuy nhiên, làm sao cư dân có thể ngồi yên, làm sao tránh khỏi cảm giác bất an khi số phận của khối tài sản mà mình chắt chiu cả cuộc đời mới có thể mua vẫn đang nằm ngoài tầm tay? Đến khi nào quyền sở hữu tài sản đích thực của mình mới được pháp luật thừa nhận? Thật nghịch lý khi mà người dân đã phải bỏ tiền tươi thóc thật để mua nhà hoặc nếu không cũng là sòng phẳng bằng vốn vay từ ngân hàng nhưng rốt cục cũng chẳng khác nào kiếp đi thuê trọ.
Trên địa bàn TP hiện có hàng chục ngàn hộ dân sống trong khoảng 100 dự án chung cư vẫn chịu cảnh mòn mỏi chờ đợi cấp GCN. Một trong những điểm chung của khách hàng chịu cảnh bỏ tiền tỉ để ở nhà thuê này là do CĐT đem cầm cố GCN quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để vay mượn ngân hàng nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư. Hoặc người dân mua phải dự án nhà ở hình thành trong tương lai, chưa hoàn thiện giấy tờ pháp lý nhưng CĐT vẫn tiến hành huy động vốn. Thậm chí có CĐT liều lĩnh đến mức một căn hộ được bán cho nhiều người mà vẫn đem đi thế chấp.
Việc CĐT cầm cố GCN quyền sử dụng đất cộng với những động thái xiết nợ nhằm thu hồi tài sản của phía ngân hàng đã vô tình đẩy người dân rơi vào cảnh một cổ hai tròng. Bởi việc chậm có gcn không chỉ đơn giản là quyền sở hữu hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng mà còn khiến tài sản duy nhất và có thể là tài sản lớn nhất của họ rơi vào cảnh mất giá, thậm chí bán tống bán tháo cũng không xong.
Để tránh những rủi ro có thể xảy ra với khách hàng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân. Nếu lỗi không phải do khách hàng thì cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải cấp giấy hồng cho cư dân sống ở dự án đó. Cần thiết thì khởi kiện ra tòa vì khách hàng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cần sớm công khai những dự án đã bị thế chấp để người dân biết rõ thông tin trước khi quyết định chọn mua căn hộ.