Hôm 8-10, nữ nhà báo điều tra, nhà văn Belarus - bà Svetlana Alexievich đã được Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển trao giải Nobel văn học 2015 nhờ vào những tác phẩm nổi tiếng đầy cảm xúc của mình. Bà cũng là nhà văn Belarus đầu tiên được nhận giải Nobel văn học.
Bôn ba “không nhà” khắp châu Âu
Svetlana Alexandrovna Alexievich sinh ngày 31-5-1948 tại Ukraine, trong gia đình cha là người Belarus, mẹ là người Ukraine. Alexievich lớn lên ở Belarus, học báo chí ở ĐH Minsk từ năm 1967 đến 1972. Sau khi tốt nghiệp, bà hoạt động trong nghề báo ở biên giới Ba Lan rồi chuyển về thủ đô Minsk làm việc, trở thành một nhà văn, nhà báo điều tra có nhiều bài viết lẫn các tác phẩm văn chương được bà sáng tác bằng tiếng Nga, có sức ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng và giới chuyên môn.
Sau cuộc đàn áp của chế độ thời Tổng thống Belarus Aliaksandr Ryhoravič Lukašenka, bà rời Belarus vào năm 2000 và trở thành “kẻ không nhà”, bôn ba khắp nơi. Tổ chức Mạng lưới thành phố tị nạn quốc tế (gọi tắt là ICRN) đã cung cấp nơi ở cho bà trong suốt thập niên sau đó tại các TP Paris (Pháp), Berlin (Đức) và Gothenburg (Thụy Điển). Trong năm 2011, Alexievich chuyển về sống ở thủ đô Minsk (Belarus).
Chuyển tải “tiếng nói con người” đến thế giới
Sau khi tốt nghiệp đại học (1972), Alexievich trở thành phóng viên của tạp chí văn học Neman ở Minsk (1976). Bà khởi nghiệp trong ngành báo chí, viết bài tường thuật, thực hiện các cuộc phỏng vấn với hàng ngàn nhân chứng trải qua những sự kiện chấn động nhất khối Liên Xô. Hàng loạt bài viết của bà thể hiện một cách sống động và chân thực những sự kiện kịch tính nhất, chẳng hạn như Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến tranh Liên Xô-Afghanistan, sự sụp đổ của Liên Xô và thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Nữ văn sĩ Svetlana Alexievich trở thành chủ nhân giải Nobel văn học thứ 112 trong lịch sử. Ảnh: REUTERS
Vào năm 1998, bà Alexievich xuất bản quyển sách mang tựa đề Voices from Chernobyl (Tiếng nói từ Chernobyl), phơi bày nỗi kinh hoàng của những người làm công việc dọn dẹp phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine. Một tác phẩm nổi bật khác của bà là Zinky Boys (1992), đề cập trực tiếp những trải nghiệm về chiến tranh Liên Xô-Afghanistan. Đó chỉ là một số trong hàng trăm tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh của Alexievich, điển hình như Chiến tranh không có khuôn mặt đàn bà (1985), Những cậu bé trong quan tài kẽm (1991), Bùa mê với cái chết (1994), Lời cầu nguyện Chernobyl (1997), Những nhân chứng cuối cùng: 100 câu chuyện không trẻ thơ (2004), Một thời quá khứ (2013),... Hầu hết tác phẩm văn chương của Alexievich được chuyển thành tuyển tập Voices of Utopia, khắc họa sống động và chân thực cuộc sống con người khối Xô Viết trong chiến tranh, đặc biệt là giai đoạn sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Quyển mới nhất nằm trong tuyển tập này là Second-hand Time: The Demisse of the Red (Wo)man được hoàn thành năm 2013.
Trước đây, những quyển sách của bà Alexievich, đa phần viết bằng tiếng Nga, lại không được xuất bản ở quê hương của bà, được cho là vì luật kiểm duyệt nghiêm ngặt của chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại các tác phẩm của Alexievich đã được xuất bản ở hơn 19 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài nghiệp văn chương và báo chí, bà còn được biết đến là nhà viết kịch, dựng phim.
Trên trang web cá nhân, Alexievich giải thích lý do bà theo nghề báo: “Tôi chọn một thể loại mà tiếng nói con người được lên tiếng cho chính họ”. Có lẽ vì thế mà những tác phẩm của Alexievich được coi là biên niên sử không chỉ đơn thuần bằng văn chương mà còn bằng cảm xúc về lịch sử thế giới cũng như con người Xô Viết. Cũng nhờ đó, bên cạnh hàng tá giải thưởng danh giá khác, Alexievich còn được biết đến là chủ nhân giải thưởng PEN của Thụy Điển - giải thưởng cao quý dành cho nhà văn có “lòng can đảm và phẩm giá”.
Đỉnh cao sự nghiệp
Mặc dù từng sở hữu nhiều giải thưởng cao quý và danh giá, tuy nhiên cho đến năm 2015, khi Alexievich được ghi tên vào Nobel văn học, thì cả thế giới mới biết đến người phụ nữ rắn rỏi và tài ba này. Trò chuyện qua điện thoại với kênh truyền hình Thụy Điển SVT sau khi được xướng tên chiều qua, Alexievich nói rằng được vinh danh chiến thắng giải Nobel văn học mang lại cho bà cảm xúc “phức tạp”.
Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel trị giá 8 triệu krona Thụy Điển (960.000 USD). Được hỏi sẽ làm gì với số tiền thưởng, bà nói: “Tôi chỉ làm một thứ: Mua tự do cho chính mình. Tôi mất thời gian dài để viết các cuốn sách, 5-10 năm. Tôi có hai ý tưởng cho những cuốn sách mới, vì thế tôi rất vui rằng tôi sẽ có thời gian hoàn tất”.
Theo Ủy ban Nobel, có tổng cộng 108 giải Nobel văn học được trao từ năm 1901 đến 2015, trong số này mới chỉ có 14 phụ nữ được vinh danh với giải. Bà Sara Danius, Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển, đã nói rằng những tác phẩm của Alexievich “mang đầy âm sắc, một tượng đài về những nỗi đau và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”. Những dòng văn phi thường của Alexievich giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về cả một thời đại của thế giới...
Con người của những “giải thưởng” Trước khi nhận được giải Nobel văn học, bà Alexievich đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá quốc tế như giải Tucholsky (1996), giải Andrei Sinyavsky (1997), Leipziger Book Prize on European Understanding (1998), Friedrich-Ebert-Stiftung-Preis (1998), giải Herder (1999), National Book Critics Circle Award, Voices from Chernobyl (2005), Oxfam Novib/PEN Award (2007), Ryszard Kapuściński Award for literary reportage (2011), Peace Prize of the German Book Trade (giải hòa bình của ngành kinh doanh sách Đức) (2013), giải Médicis essai, La Fin de l’homme rouge ou le temps du désenchantement (Время секонд хэнд) (2013). |