Yêu sách dựa trên cái gọi là “chủ quyền lịch sử” trên biển Đông mà Trung Quốc (TQ) đưa ra luôn là vấn đề bị các nước phản bác kịch liệt. Mới đây, tại phiên tranh tụng của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc (diễn ra từ ngày 24 đến 30-11), phía Philippines tuyên bố bác bỏ và yêu cầu tòa không chấp nhận luận điểm về “chủ quyền lịch sử” của TQ, qua đó bác bỏ yêu sách vô lý về đường cơ sở chín đoạn cũng như các yêu sách của nước này đối với biển Đông. Trên các diễn đàn quốc tế, TQ thường xuyên mang luận điệu này ra để bác bỏ luật pháp quốc tế và đưa ra yêu sách phi lý của mình. Vậy thực hư của cái gọi là “chủ quyền lịch sử” mà TQ mang ra đòi hỏi chủ quyền của mình ở biển Đông là như thế nào?
Bản chất của yêu sách “chủ quyền lịch sử” là gì?
Tại hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ VII tại TP Vũng Tàu (23 và 24-11-2015), diễn giả TQ, TS Nong Hong (Viện Nghiên cứu TQ - Hoa Kỳ) một lần nữa đã trình bày yêu sách chủ quyền lịch sử của TQ đối với biển Đông. Bài tham luận có mục đích biện hộ cho quan điểm của TQ, nhấn mạnh rằng nước này không vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa ra những yêu sách dựa trên quyền lịch sử mà cụ thể là quyền đánh bắt cá tại vùng biển này. Theo bà Nong Hong, đường cơ sở chín đoạn của nước này có cơ sở pháp lý từ quyền lịch sử đã thiết lập từ trước đó và có từ trước khi Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 ra đời.
Lập luận của TQ cho thấy sự ngụy biện, thiếu cơ sở, không nhất quán và mâu thuẫn với chính luận điểm chung của nước này về yêu sách tại biển Đông.
Thực chất việc đưa ra quan điểm về “chủ quyền lịch sử” là nhằm tìm kiếm cơ sở phục vụ cho lập luận về đường cơ sở chín đoạn của TQ. Cơ sở mà TQ dựa vào là việc sử dụng các chứng cứ lịch sử nước này đưa ra dựa trên chứng minh về sự phát hiện đầu tiên, sự tiến hành các hoạt động hàng hải trên biển Đông, quyền đánh bắt cá của ngư dân TQ… Phía TQ lập luận rằng những bằng chứng lịch sử đó đã tạo nên danh nghĩa lịch sử về sự chiếm hữu và quản lý trên biển Đông. Từ đó yêu sách về chủ quyền mà nước này đưa ra bao gồm đòi hỏi về chủ quyền đối với toàn bộ đảo và thực thể trong biển Đông cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với toàn bộ vùng nước liên quan tại đây và được giới hạn bởi đường cơ sở chín đoạn của nước này. Bằng việc đưa ra yêu sách dựa trên lập luận này, TQ cũng đã cho rằng Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 không có giá trị pháp lý và không áp dụng cho đòi hỏi về đường cơ sở chín đoạn của mình.
TQ đang dồn sức cả trên diễn đàn quốc tế và diễn tiến thực địa để hợp thức hóa đường chín đoạn phi lý của mình ở biển Đông. Trong ảnh: Những năm gần đây TQ ngang nhiên đơn phương đưa ra quyền cấm đánh bắt cá và ồ ạt đưa ngư dân của mình tiến xuống biển Đông khai thác. Ảnh: Internet
Mặc dù vậy cho đến nay yêu sách về đường cơ sở của TQ bộc lộ những điểm yếu, cho thấy sự thiếu căn cứ, mang tính chủ quan và áp đặt. Cụ thể là đường này không có cơ sở pháp lý; không có mô tả chính xác và cũng không được nước này giải thích và công bố một cách thấu đáo. Đường cơ sở chín đoạn cũng chỉ mới được đưa ra kể từ năm 1947, đường này xuất hiện trong bản đồ các đảo trong biển Nam Trung Hoa do Fu Jiaojin, Wang Xiguang biên soạn và được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ TQ Dân quốc xuất bản vào năm 1947. Cho đến nay TQ đã không thể chứng minh hoặc giải thích thấu đáo, nhất quán về đường cơ sở này hay yêu sách thực sự của họ dựa trên đường cơ sở chín đoạn là gì.
Những lập luận thiếu tính thuyết phục
Thứ nhất, với việc đưa ra lập luận rằng Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 không có quy định cụ thể về khái niệm “quyền lịch sử” và việc TQ đã đưa ra yêu sách về các quyền lịch sử trước khi công ước ra đời, TQ cho rằng vấn đề quyền lịch sử là nằm ngoài phạm vi của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, thậm chí cho rằng Công ước UNCLOS đã cố tình tránh né vấn đề quyền lịch sử. Điều đó cho thấy quan điểm của TQ đưa vấn đề tranh cãi nằm ngoài phạm vi Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 và chỉ dựa vào các chứng cứ lịch sử mà nước này đưa ra.
Tuy nhiên, chính diễn giả Nong Hong tại hội thảo lần này cũng lại viện dẫn những phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế và Tòa Trọng tài Thường trực, trong đó thừa nhận rằng các quyền lịch sử được coi là những “hoàn cảnh đặc biệt” khi phân định biển. Cần phải nhấn mạnh rằng Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 không chỉ hình thành các quy định pháp lý quốc tế điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia về việc khai thác, quản lý và sử dụng các vùng biển, mà còn pháp điển hóa những quy tắc tập quán quốc tế đã được công nhận, thừa nhận rộng rãi trong thực tiễn và là tiêu chuẩn quan trọng điều chỉnh yêu cầu cùng hành vi của mọi quốc gia liên quan đến biển. Một mâu thuẫn khác trong lập luận này của TQ là khi nước này cho rằng Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 không áp dụng cho trường hợp yêu sách của mình do chủ quyền lịch sử của nước này có từ trước khi công ước ra đời thì chính nước này lại đòi hỏi các quyền, đặc quyền dựa trên cơ sở của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982. Thêm vào đó, TQ cũng đã lập lờ trong việc sử dụng khái niệm về “bằng chứng lịch sử” hoặc những hành vi thực hiện trong lịch sử để đánh đồng và biến đổi nó thành khái niệm “quyền lịch sử” hoặc “chủ quyền lịch sử”.
Thứ hai, quan điểm của TQ cũng cho rằng cơ sở để xem xét sự tồn tại của quyền lịch sử và yêu sách hợp pháp về quyền này cần phải đáp ứng được tiêu chí quan trọng là chúng phải được áp dụng trong một thời gian dài và liên tục trong lịch sử. Thêm nữa, quyền lịch sử phải được thực hiện trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc về chiếm cứ lãnh thổ trong luật quốc tế, cụ thể theo diễn giả này là quyền phát hiện đầu tiên và nguyên tắc chiếm cứ hữu hiệu đối với lãnh thổ.
Vấn đề đặt ra là nguyên tắc phát hiện đầu tiên vốn được coi là tiêu chí xác định chủ quyền lãnh thổ trong lịch sử pháp luật quốc tế đã bị bác bỏ bởi thực tiễn quan hệ quốc tế và được khẳng định trong các phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế và các thiết chế tài phán khác. Đồng thời, luận cứ về phát hiện đầu tiên trở nên không có giá trị pháp lý khi mà nguyên tắc về chiếm cứ hữu hiệu (effective control) đã được coi là tiêu chuẩn quan trọng khi đưa ra mọi yêu sách về chủ quyền lãnh thổ kể từ Hội nghị Berlin 1885. Về vấn đề này, các bằng chứng lịch sử-pháp lý mà Việt Nam đưa ra đều đã cho thấy chúng đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí quan trọng của chiếm cứ hữu hiệu, đó là sự thực thi chủ quyền, lâu dài, hòa bình và liên tục cũng như không có tranh chấp. Cơ sở cho lập luận của TQ về quyền lịch sử vì thế thiếu cơ sở và trở thành điểm hạn chế lớn trong lập luận của nước này.
Thứ ba, lập luận về chủ quyền lịch sử của TQ dựa vào các bằng chứng lịch sử mà nước này đưa ra gắn liền với yêu sách về đường chín đoạn từ năm 1947. Những bằng chứng đó dựa trên các chứng cứ chung chung trong lịch sử, một số chỉ được đưa ra bởi cả chính quyền Trung Hoa Dân quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm biện hộ cho bản đồ đường chữ U của nước này sau năm 1947, đồng thời độ tin cậy của chúng là một vấn đề đáng lưu ý bởi dựa trên những nguồn tài liệu một chiều, thiếu khách quan (theo chứng minh của học giả người Anh Bill Hayton tại hội thảo quốc tế về biển Đông lần này). Ngoài ra, sự thiếu nhất quán cả về khía cạnh lịch sử và khía cạnh pháp lý trong lập luận của TQ cũng cho thấy yêu sách của nước này, cũng như các lập luận khác của họ, vẫn chỉ là một yêu sách không rõ ràng, cụ thể về điều mà nước này muốn nhắm đến là đòi hỏi quyền đánh bắt cá trong vùng biển Đông hay là đòi hỏi về chủ quyền đối với các thực thể trong biển Đông được giới hạn bởi đường cơ sở chín đoạn. Như đã đề cập, các quyền lịch sử có thể được cộng đồng quốc tế công nhận ở khía cạnh thừa nhận sự hiện diện trong lịch sử tại biển Đông của TQ, tuy nhiên chúng sẽ không thể được dùng để chứng minh chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển. Đây là điều mà lập luận của TQ về đường cơ sở luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía cộng đồng quốc tế.
Điều quan trọng là trong việc chứng minh các luận điểm của mình, TQ cần phải dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 - hiến pháp của cộng đồng về biển và các quy tắc tập quán quốc tế đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong thực tiễn. Còn với các lập luận hiện nay, cái gọi là “chủ quyền lịch sử” mà TQ đưa ra vừa thiếu cơ sở lý luận vừa thiếu sự nhất quán, tính thuyết phục và không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế.