Chú Sáu Dân trong ký ức chúng tôi - Kỳ cuối: Người bạn của văn nghệ sĩ

Chú Sáu Dân trong ký ức chúng tôi - Kỳ cuối: Người bạn của văn nghệ sĩ ảnh 1

Các văn nghệ sĩ, nhà báo và thân hữu trong buổi họp mặt mừng thọ đồng chí Võ Văn Kiệt 80 tuổi tại quê nhà Vĩnh Long năm 2002 - Ảnh tư liệu

Khi còn ở TP.HCM, ông đã dành nhiều buổi tối đến nhà hát thưởng thức các vở kịch, cải lương đặc sắc và giao du gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ, nhà báo.

Khi thì ông mời hàng trăm văn nghệ sĩ đủ mọi ngành, từ nhạc sĩ, ca sĩ tân nhạc đến các soạn giả cải lương, nhà viết kịch... đến một nhà hàng sân vườn ven sông để nghe văn nghệ sĩ phát biểu, ca hát. Khi thì ông đến trụ sở Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM làm việc với các anh ban chấp hành.

Khi thì ông rủ một số văn nghệ sĩ thân thiết như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng,Trầm Hương, Đông Thức, các nhà báo Thép Mới, Thái Duy, Võ Như Lanh, Kim Hạnh, Huỳnh Sơn Phước... cùng ông đi thực tế công trường này hay công trình kia.

Mấy năm đầu sau ngày giải phóng, tuồng tích sân khấu cải lương bị kiểm soát nội dung gắt gao, có một số tuồng bị cấm trình diễn. Nhưng chú Sáu Dân đã chỉ đạo các ngành quản lý văn hóa: Phải đọc kỹ từng vở, nếu có những chi tiết nào trong các vở tuồng không phù hợp thì cắt bỏ hay sửa lại. Vì để viết được một vở tuồng, tác giả phải bỏ ra rất nhiều chất xám. Chúng ta không nên lãng phí!

Nghệ sĩ Phùng Há nói “Anh Sáu Dân là một nhà lãnh đạo có suy nghĩ thoáng, đã “cứu” rất nhiều soạn giả, tạo cho họ một niềm tin để sáng tác nhiều vở tuồng khác”. Khi vở cải lương Tiếng trống Mê Linh ra đời, các nhà quản lý văn hóa đòi phải chọn diễn viên có lý lịch nhân thân tốt đóng vai Hai Bà Trưng và giải chuyện này lên hỏi chú Sáu Dân.

Tưởng đâu chuyện này sẽ phải bàn cãi căng thẳng, ai ngờ chú Sáu chỉ cười, trả lời: “Nếu muốn như vậy thì mấy anh đi mời hai chị Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình lên sân khấu đóng vai Trưng Trắc, Trưng Nhị đi!”. Thế là giải quyết xong, hết tranh cãi.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã kể: “Trong một lần đi thực tế với chú Sáu Dân ở khu rừng đước Cần Giờ, xúc động trước hình ảnh chú Sáu lặn lội trong rừng đước, trong tôi nảy ra ý bài hát Một đời người, một rừng cây. Con người phải sống chan hòa trong tập thể, như cây mọc sát nhau mới đứng thẳng.

Chúng tôi còn đi thực tế ở thủy điện Trị An, đường dây 500kV và khi về thường có ngay tác phẩm. Tôi vẫn nung nấu mãi một bài hát về nụ cười Võ Văn Kiệt”.

Trước đây nhiều người lầm tưởng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên để tặng ca sĩ Khánh Ly. Nhưng trong bộ phim Sống với quê hương do đạo diễn Lê Văn Duy thực hiện năm 1977, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tâm sự: “Khi ấy mình mới từ Huế vào Sài Gòn.

Anh Sáu Dân gợi ý mình đi thực tế Nông trường Thái Mỹ cùng nhiều văn nghệ sĩ Sài Gòn. Khi thấy có quá nhiều trí thức bỏ thành phố ra đi, anh Sáu Dân bảo: “Này, Sơn viết cái gì đó kêu gọi trí thức ở lại. Anh nghĩ cậu có thể làm tốt việc này”.Thế là mình viết ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên”.

Khoảng năm 1998, gia đình và thân hữu đã tổ chức sinh nhật ông tại một sân tennis trong dinh Thống Nhất, với thức ăn bày biện đơn giản như đi picnic ngoài trời. Nhiều bạn bè thân hữu, văn nghệ sĩ, nhà báo thân cận ông đã đến dự. Giữa tiệc, nhà thơ Nguyễn Duy đã đọc lại bài thơ Đánh thức tiềm lực tặng ông và kể lại tâm trạng lo lắng của nhà thơ trong lần đầu đọc cho ông nghe bài thơ này khiến ông rất xúc động.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng ôm đàn hát một bài do anh sáng tác, nhại lời một bản nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn: “Một chiều anh Sáu Dân tê-lế-phôn cho Ca Lê Thuần. Và dặn rằng: Làm kinh tế thì nhiều thành phần; còn làm văn hóa thì chỉ có một (thành phần) nhe em!...” khiến mọi người cười nghiêng ngả. Cuối tiệc, các cựu cán bộ Đoàn như Phạm Chánh Trực, Huỳnh Kim Báu, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Lê Hùng Dũng... cùng các nhà báo và các nhạc sĩ nắm tay nhau hát vang bài Nối vòng tay lớn...

Chú Sáu Dân còn quan tâm chăm sóc đời sống cho văn nghệ sĩ, trí thức. Vào một lần gặp năm 1997, khi nghe nghệ sĩ Phùng Há phản ảnh nguyện vọng của những nghệ sĩ lớn tuổi nhưng neo đơn không có nhà ở ổn định, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo TP.HCM gấp rút tìm và xây dựng một nhà dưỡng lão dành riêng cho nghệ sĩ. Bà Phùng Há tưởng thủ tướng quá bận bịu nên đã quên lãng việc này.

Nhưng không ngờ, đến năm 1998, nghệ sĩ Phùng Há và nhiều nghệ sĩ lớn tuổi đã được lãnh đạo TP.HCM mời đến dự lễ khánh thành Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở đường Âu Dương Lân, quận 8, khiến các nghệ sĩ già như Ngọc Đáng, Ngọc Thẩm,Thiên Kim... xúc động rơi nước mắt, vì từ nay nhờ ông Sáu Dân và lãnh đạo TP.HCM mà những nghệ sĩ neo đơn không còn lo lắng tìm nơi nương tựa nữa.

Ông còn cấp một ôtô cũ cho nghệ sĩ Phùng Há khi thấy bà lớn tuổi, phải đi lại bằng xe đạp do cháu gái chở. Hoặc như câu chuyện cảm động sau đây về nghĩa cử của ông với nhà văn Sơn Nam.

Chuyện xảy ra khoảng năm 1977-1978. Lúc đó tôi thường giao du thân mật với nhà văn Sơn Nam với tư cách con cháu và cũng do ngưỡng mộ những tác phẩm độc đáo của “ông già Nam bộ” như Hương rừng Cà Mau mà tôi đọc say mê từ thuở nhỏ.

Một hôm ông Sơn Nam tâm sự với tôi: “Ê Nuôi, mày gần gũi ông Sáu Dân, tao nhờ mày một chuyện. Thời kháng chiến 1945, tao có cùng tham gia Ủy ban hành chánh kháng chiến tỉnh Rạch Giá, do ông Sáu làm chủ tịch. Bây giờ tao đang gặp khó khăn là cái nhà tao ở đang nóc dột, cột xiêu, không có tiền sửa. Mà tao đâu có gặp ổng xin được, vậy nhờ mày nói giùm!”.

Vài bữa sau tôi đến nhà thăm chú Sáu Dân và kể chuyện cái nhà dột, cột xiêu của nhà văn Sơn Nam. Tôi hỏi: Chú Sáu có nhớ ông Sơn Nam cùng hoạt động kháng chiến với chú ở Rạch Giá không? Ông nói: “Nhớ chứ!”. Nhưng khi tôi nói đến chuyện ông Sơn Nam nhờ sửa nhà thì ông la tôi: “Công việc thành phố bộn bề, chuyện gì ở cơ sở giải quyết được thì chủ động giải quyết, chứ dồn hết lên chú thì chịu sao nổi!”.

Tôi gãi đầu: “Cháu biết vậy nhưng chuyện giúp sửa nhà, cần tiền, mà nghèo rớt mồng tơi như cháu thì làm sao giúp được!”. Ông dịu giọng: “Thôi được rồi, để chú bàn với văn phòng thành ủy tính. Ghi cho chú địa chỉ nhà ông Sơn Nam đi”. Tôi thở phào ra về.

Một tháng sau ông Sơn Nam gặp tôi, khoe: “Ê Nuôi, ông Sáu ổng cho quân xuống sửa nhà tao ngon lành rồi! Ngày hôm kia, ổng còn cho xe hơi tới đón tao đi cùng ổng ra Nhà hát TP coi cải lương. Rồi trên đường về nhà, ổng còn tặng tao 500 đồng xài chơi”. Nghe kể tôi ngẩn người, không ngờ chú Sáu Dân tuy ban đầu la tôi nhưng lại tận tình với đồng đội cũ đến vậy.

Trong loạt bài này, tác giả Lê Văn Nuôi có tham khảo và trích dẫn sự kiện từ nhiều bài viết của nhiều tác giả đăng trong các sách: Ấn tượng Võ Văn Kiệt - NXB Trẻ 2002; Dấu ấn Võ Văn Kiệt - NXB Văn Hóa Sài Gòn 2008; Võ Văn Kiệt trong lòng trí thức - NXB Văn Hóa Thông Tin 2009 và từ nhiều số báo Tuổi Trẻ. Xin chân thành cảm ơn các tác giả và nhà xuất bản trên.

* “Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo được dân tin yêu nhất. Chỉ riêng cái tên Sáu Dân đã nói lên cốt cách của Võ Văn Kiệt. Sáu Dân là vậy đó. Một ông thủ tướng nói ít, làm nhiều, gần dân, dân mến... Con người ấy là một người bạn chân thật... Đó là một người bạn chơi được!”. (Giáo sư Trần Văn Giàu)

* “Là một nhà lãnh đạo gần dân, thân dân, yêu dân, trọng dân, hầu dân... anh Sáu Dân biết tắm mình trong dân, đó là tắm mình trong suối nguồn trong sạch, tươi trẻ và sáng suốt. Sống trong dân là sống trong thực tế cuộc sống. Thường xuyên như vậy. Lúc khó khăn nguy hiểm càng như vậy... Mỗi lần gặp thách thức, phải tìm giải pháp cho vấn đề nan giải là anh Sáu đến ngay nơi thách thức ấy... gặp gỡ dân, giáp mặt với thực tế cuộc sống”. (Trần Việt Phương, nguyên thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng)

Theo LÊ VĂN NUÔI (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm