Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo về kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Các doanh nghiệp nếu không đảm bảo yêu cầu chống dịch sẽ bị dừng hoạt động từ 15-7. Ảnh: LÊ THOA
Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM khi đảm bảo một trong hai trường hợp sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.
Thứ hai, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch thì mới cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất. Cùng với đó, thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.
Đối với trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động. Thời gian dừng hoạt động bắt đầu từ 0 giờ ngày 15-7-2021 cho đến khi có chỉ đạo mới.
Kết luận này được đưa ra tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP sáng 13-7. Sau khi nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh tại các doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã kết luận như trên.
Trước đó, báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sáng 12-7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cho biết TP.HCM hiện có 42/128 doanh nghiệp đăng ký phương án vừa cách ly vừa sản xuất. Các khu vực nhà xưởng, nhà kho được đưa vào làm nơi cách ly với 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng chưa sử dụng để phục vụ khi có yêu cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc tổ chức các nhà máy sản xuất an toàn là vấn đề cấp bách. Đến nay, TP đã cơ bản thiết lập kỷ cương, kiểm soát thực hiện GCXH với người dân trong địa bàn dân cư, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa.
Tuy nhiên, trong thời gian tới phải kiểm soát được khu vực sản xuất, cần phân loại những doanh nghiệp có đơn hàng gấp để tổ chức vừa sản xuất vừa cách ly; quản lý nơi ở, quá trình di chuyển đến nơi làm việc của từng công nhân theo chu trình khép kín.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 chiều 13-7, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thông tin từ 25-6, ngành y tế phát hiện một F0 là nhân viên một công ty tại khu chế xuất Tân Thuận. Đây là F1 của một F0 khác đã cách ly tập trung từ trước.
Từ ca nhiễm này, Trung tâm Y tế quận 7 xét nghiệm nhanh và mẫu gộp PCR thì phát hiện 154 ca dương là công nhân tại công ty này. Qua truy vết, ngành y tế phát hiện thêm 160 ca tại các công ty khác.
Do vậy, TP đã ghi nhận 50 công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận có tổng số trên 400 ca bệnh. Cách đây hai hôm, 29 doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận cũng phải dừng hoạt động.
Nhiều nhà máy ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) cũng tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất khi nơi đây ghi nhận hơn hàng trăm ca nhiễm.
Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), với hơn 56.000 lao động, cũng sẽ dừng sản xuất từ ngày mai theo yêu cầu chính quyền địa phương để phòng chống dịch.