Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ TN&MT phê duyệt, Trung tâm điện lực Quảng Trạch (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) sẽ nhận chìm 2,5 triệu m3 vật chất xuống khu vực cách đảo Hòn La 3,5 hải lý về phía Tây khi thi công làm cảng than. Thông tin trên gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận vì người dân lo ngại việc nhận chìm sẽ làm chết vùng biển này.
Chiều 14-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT), cho hay: Bộ TN&MT đã phê duyệt ĐTM đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Trung tâm điện lực Quảng Trạch (Quảng Bình). Tuy nhiên, phương án nhận chìm 2,5 triệu m3 đất, cát thải nạo vét xuống vùng biển gần đảo Hòn La do phía chủ đầu tư (EVN) đề xuất vẫn đang được xem xét.
Theo đề xuất của chủ đầu tư, vị trí nhận chìm nằm cách đảo Hòn La 3,5 hải lý về phía Tây. Vị trí được xác định ban đầu giới hạn trong vòng tròn bán kính 1 hải lý. Tâm đường tròn cách phao số 0 ở biển Hòn La 4 hải lý về phía Tây Nam, cách đảo Hòn Gió (đảo Chim) 5 hải lý về phía Đông Nam.
Khu vực đảo Hòn La là nơi dự kiến sẽ nhận chìm 2,5 triệu m3 vật chất nạo vét. Ảnh: N.DO
“Đây là một dự án lớn, tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD, vì vậy ĐTM dự án vừa được Bộ TN&MT phê duyệt là phương án đảm bảo môi trường chung cho toàn dự án. Trong đó, việc nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn, chất thải nạo vét gần đảo Hòn La theo đề xuất của chủ đầu tư chỉ là một chi tiết trong dự án và việc này vẫn đang được xem xét” - ông Sơn nói.
Theo báo cáo ĐTM của dự án, việc nhận chìm bùn, chất thải nạo vét phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép và đảm bảo không có tác động xấu tới hệ sinh thái, đời sống, sinh kế của cư dân trong khu vực dự án, khu vực nhận chìm.
“Để được phép nhận chìm xuống khu vực biển đề xuất, chủ đầu tư cần phải có hai giấy phép gồm giấy phép nhận chìm vật chất nạo vét do UBND tỉnh cấp và giấy phép giao khu vực biển do Bộ TN&MT cấp. Hiện tại chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục. Vì vậy, thông tin Bộ đồng ý cho nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn, chất thải nạo vét xuống khu vực gần đảo Hòn La như đề xuất của chủ đầu tư là không đúng” - ông Sơn nói.
Ông Trần Phong, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình, xác nhận vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh giới thiệu vị trí nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn, cát trong quá trình thi công cảng than của dự án Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch cho cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát.
Việc giới thiệu vị trí để cơ quan chức năng tiến hành khảo sát dựa vào tiêu chí khoảng cách để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Theo đó, vị trí nhận chìm được tỉnh Quảng Bình giới thiệu cách đảo Hòn La 3-6 hải lý về phía Tây.
“Qua thông tin Sở nắm được từ Cảng vụ hàng hải Quảng Bình thì việc nhận chìm tại vị trí này không ảnh hưởng đến luồng lạch giao thông; ở xung quanh không có khu bảo tồn” - ông Phong nói.
Hiện Quảng Bình cũng như Bộ TN&MT chưa cấp phép cho việc nhận chìm này.
Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch gồm hai nhà máy, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 được khởi công xây dựng tháng 7-2011, công suất 1.200 MW, tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD. Dự án lúc đầu là của Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí nhưng sau đó chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo kế hoạch, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ vận hành tổ máy 1 từ năm 2021 và tổ máy 2 năm 2022.
Biển Bình Thuận hai lần thoát “án” • Tháng 6-2018, tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Bộ TN&MT nêu quan điểm không đồng ý việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét ở biển Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận xuống vị trí cách Khu bảo tồn Hòn Cau 6 km theo đề nghị của Công ty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3, Bình Thuận. Bình Thuận đề nghị Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ với các đơn vị chức năng chọn phương án dùng vật liệu nạo vét để san lấp mặt bằng. • Năm 2017, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin đổ 1 triệu m3 xuống biển Bình Thuận nhưng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của báo chí, các nhà khoa học và người dân nên phải dừng lại, thay bằng phương pháp lấn biển theo chỉ đạo của Chính phủ. |