Đi tìm nguồn gốc Vua Chổm
Đầu thế kỷ 16, nhà hậu Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau. Năm 1527, Mạc Đăng Dung chính thức giành ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc; nhiều trung thần của vua Lê không phục, lấy Thanh Hóa làm căn cứ để khởi sự, mưu việc “Phò Lê diệt Mạc”. Một võ tướng của nhà Lê là Nguyễn Kim tìm được Lê Duy Ninh ở vùng thượng du Thanh Hóa, tôn lập làm vua Lê Trang Tông. Cũng trong thời kỳ này, dân gian bắt đầu lưu truyền giai thoại về vị vua tên Chổm.
Qua lời kể của một số già bản ở Mường Khoòng và sách chữ Thái, vào một thời loạn lạc, một người phụ nữ mang thai chạy đến vùng đất Mường Khoòng xin cứu giúp. May mắn cho người phụ nữ này khi gặp được ông quan bản Dôộc (một bản hẻo lánh, xung quanh chỉ toàn Khỉ, Vượn. Tiếng địa phương gọi con Vượn là con Dôộc, bản Dôộc nghĩa là bản Vượn, nay là làng Thành Công, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) vốn có bản tính tốt bụng, thương người và được quan Dôộc cưu mang đưa vào một hang đá ở vùng núi sâu, kín đáo để không bị lộ chờ ngày sinh nở.
Thời ấy, ở vùng đất Mường La có ông Liêm Quốc là người nổi tiếng thông thái, quan Dôộc bèn lặn lội đến nơi để hỏi dò về tung tích người phụ nữ đó. Theo lời ông Liêm Quốc cho biết: “Dạo này thấy sao Chiêm Vương chầu về phía Mường Khoòng, ứng với điềm sắp có vua chúa ra đời”. Rồi dặn dò quan Dôộc về chăm sóc tốt cho người đàn bà có mang đó, khi có gì khác lạ thì báo lại ngay. Theo lời dặn của ông Liêm Quốc, quan Dôộc về nhà cùng con cái tận tình chăm sóc cho người phụ nữ. Khi người này mang thai đủ chín tháng mười ngày vẫn chưa sinh, quan Dôộc báo cho ông Liêm Quốc biết. Ông Liêm Quốc đã cùng quan Dôộc sắm một mâm lễ cầu khấn trời đất rằng: nếu phải con vua cháu chúa thì hãy cho sinh ra vào giờ “cứa cá”(tức buổi sáng sớm), trời quang mây tạnh gió. Nhưng lúc ấy trời đã đến giờ “cỏng pắn” (tức chiều tối), bầu trời đang âm u. Bỗng nhiên, khi nghe lời cầu khấn, bầu trời bừng sáng, trời quang mây tạnh, mặt trời trở lại giờ “cứa cá”. Người đàn bà trở dạ sinh được một đứa con trai, khôi ngô tuấn tú. Cậu bé được quan Dôộc chăm sóc chu đáo. Đứa trẻ mau ăn, chóng lớn, vài năm sau đã biết đi chăn trâu, đánh cù cùng với bọn trẻ trong bản. Người ta thường gọi tên cậu bé là Chù Chốm.
Một thời gian sau, trung thần của nhà Lê trở lại, nói cho dân bản biết Chù Chốm là con vua, ngài mang họ Lê. Cậu bé Chù Chốm đó chính là vua Lê Trang Tông, tên húy là Duy Ninh, con của Lê Chiêu Tông và Phạm Thị Ngọc Quỳnh.
Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có chép: “Nguyễn Kim tìm thấy Lê Duy Ninh ở vùng thượng du Thanh Hóa, đón sang Ai Lao lập làm vua”. Tuy nhiên, chưa ai biết địa danh cụ thể.
Dưới sự phò tá của những công thần nhà Lê và các tạo Mường, vua đi đánh giặc lấy lại được thiên hạ. Quan Dôộc là cha nuôi của nhà vua được thưởng nhiều thứ, nhưng không nhận thứ gì. Vua cho Thái Ý Lân năm mươi hai khiêng của, mang về làm một cái đình tại dinh phủ cũ để nhà vua thờ cúng. Thái Ý Lân về mường Khoòng, truyền cho dân các bản đến dựng lên một cái đình ở nơi phủ cũ để thờ cúng. Dân mường gọi đình là nhà Phủ (nằm trên đất Cổ Lũng, huyện Bá Thước ngày nay). Do biến cố lịch sử, nhà Phủ hiện nay không còn, chỉ còn tượng voi, ngựa đá lưu lạc và đang được lưu giữ tại Trường THCS Cổ Lũng, còn bia đá trên có khắc chữ Hán bị gãy đôi, đang nằm trong nhà dân trên địa bàn xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước.
Dựa vào các nhân vật được nhiều sách chữ Thái nhắc đến và truyền thuyết kể lại, đối chiếu với lịch sử Việt Nam thì thời kỳ dựng nhà Phủ là thời kỳ mở đầu triều đại Lê Trung Hưng.
Theo ông Hà Nam Ninh, từ các nhân vật và sự kiện vừa chính sử, vừa dã sử, có thể nhận định rằng việc hoàng tử Lê Duy Ninh về ẩn náu ở Mường Khoòng, được Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm tìm thấy, đưa ra làm vua, hiệu là Lê Trang Tông, tập hợp lực lượng đánh lại nhà Mạc là chuyện có thật. Hơn nữa, qua nghiên cứu, việc quan Dôộc nuôi vua được phản ánh nhiều trong sách chữ Thái ở mường Khoòng, mường Hạ, mường Ánh, mường Ca Da.
Những giai thoại về Vua Chổm
Là người địa phương, từ ngày còn công tác trên cương vị Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước, đến khi nghỉ hưu và hiện làm công tác khuyến học địa phương, ông Hà Nam Ninh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử nơi vùng đất miền Tây xứ Thanh. Khi nghe hỏi chuyện về giai thoại ông vua Chúa Chổm, ông Ninh cười: “Chúa Chổm thì cả tiếng Kinh, tiếng Thái, tiếng Mường, tiếng Khơ Mú… đều không có nghĩa gì. Nhưng có thể cắt nghĩa được vì sao lại gọi vua Lê Trang Tông là ông vua Chúa Chổm”.
Qua tìm hiểu của ông, một số tài liệu nói về triều đại nhà Lê so với dân gian kể lại nói chung hơi lệch nhau. Ví dụ khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, Duy Ninh được quan nhà Lê cõng chạy sang Ai Lao... Còn trong sách chữ Thái lại nói người đàn bà mang thai chạy đến Mường Khoòng cầu cứu. Quan Doộc mang người đàn bà này đi giấu trong hang đá.
Câu chuyện còn dài, nhưng sau khi đứa trẻ sinh ra, được đưa về nhà, rồi lớn lên đi chăn trâu, đánh cù với bạn bè trong bản và được đặt tên là Chù Chốm (tiếng địa phương nghĩa là giấu trộm, ý nói giấu giếm, trộm nuôi). Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu thì có thể do cách phát âm nên mới xuất hiện cụm từ Chù Chốm thành Chúa Chổm. Vua Chù Chốm được dịch ra thành Vua Chổm và được dân gian thêu dệt thành câu chuyện “Chúa Chổm uống rượu tì tì...”, ý nói đến vua Lê Trang Tông.
Cũng theo dân gian lưu truyền rằng, khi vua lên ngôi, bố nuôi là quan Dôộc ra kinh kỳ để thăm con, khi đến nơi, ông đứng ngoài cửa gọi tên: “Chổm ơi! Chổm, bố mày đến đây, Chổm ơi!”, quân lính nghe vậy bắt lại. Trước khi đi, quan Dôộc có chuẩn bị quà gồm 2 quả chuối rừng, 2 con sóc, 2 con hon và đặc biệt là 2 gói Tời làm từ loại Đậu Tời (một loại chẻo) và nhờ quân lính mang vào cho nhà vua. Sau khi nhìn thấy quà, vua nhận ra bố nuôi mình ngay. Cũng theo sách Thái cổ thì câu chuyện này cũng lưu hành ở vùng đất Quan Hóa (Thanh Hóa) và Mai Châu (Hòa Bình)…
Cũng theo ông Ninh thì trong nhiều tài liệu bằng chữ Thái cổ thì sách chủ yếu viết về những thủ lĩnh người Mường, người Thái và cư dân từ xưa trên đất này. Còn những câu chuyện đề cập đến giai thoại của Vua Chổm rất ít. Trong dân gian cả miền xuôi và miền ngược xưa nay vẫn lưu truyền cụm từ “nợ như chúa chổm”. Mỗi vùng một khác, hiện nay có nhiều dị bản về giai thoại này vẫn đang được lưu hành. Cho đến ngày nay, trong các tài liệu lịch sử để lại chưa có tài liệu nào nói cụ thể về giai thoại này.
Có những giai thoại cho rằng, thuở nhỏ, hằng ngày anh chàng đi kiếm củi hoặc làm thuê, làm mướn nuôi mẹ. Những lúc bụng đói, Chổm thường vào ăn cơm hay mua thức ăn tại các quán cơm ở cửa ô. Hàng nào được Chổm vào ăn là hôm đó đắt như tôm tươi; còn hàng khác chỉ ngồi xua ruồi. Người ta cho là Chổm nhẹ vía nên hàng nào cũng muốn mời anh vào ăn dù bán chịu cũng được.
Chổm ăn chơi và tiêu pha bạt mạng. Toàn là ăn chịu, mua chịu…Sau này, đến khi biết tin cậu bé ngày ấy lên làm vua, dân làng từ khắp nơi, những ai từng cho nợ đã đổ về kinh để đòi nợ vua. Thậm chí, có những người không cho vua nợ trước đó cũng tìm đến để được trả nợ…
Hiện nay ở làng Thành Công có nhiều gia đình người Mường nhưng lại mang họ Lê. Theo nhận định của ông Ninh thì có thể vùng đất này xưa có ơn với vua Lê nên sau khi lên ngôi, nhà vua ban thưởng cho mang họ vua.
Ông Hà Nam Ninh nhận định: “Chuyện dân gian về Chúa Chổm có một hệ thống của nó, tức là các chuyện gần giống chuyện trạng. Nhiều chuyện bị cắt đầu, cắt đuổi, ở đây nó gắn với địa danh, tiếng địa phương. Những dị bản không kể theo mạch, tức là Chổm lớn lên như thế nào, sinh ra ở đâu mà mỗi chuyện gắn vào một ít. Tuy nhiên, phải có xuất phát điểm Vua Chổm đã từng có bố nuôi, ra làm vua, ông này ra làm tướng, chủ yếu kể về bố nuôi và ông tạo Mường Khoòng, chuyện về Vua Chổm nói ít thôi. Chuyện vua lớn lên đi buôn cây vang, bói toán, tôn Chù Chốm lớn lên sẽ làm vua, ăn chơi thoáng đãng…
Mỗi chỗ có một dị bản, có người gọi là Vua Chổm, có người gọi là Chúa Chổm. Nhưng Chúa Chổm không phải là chúa, có thể từ Chù Chốm là gốc của nó…”.
Theo Duy Tuyên/Dân Trí