Phần chuôi kiếm ngắn núi Nưa khắc họa hình tượng người phụ nữ rất độc đáo. Ảnh: Lê Hoàng.
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện lưu giữ bộ sưu tập binh khí thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, trong đó nổi bật nhất là thanh kiếm ngắn núi Nưa. Hiện vật được sưu tầm dưới chân núi Nưa (xã Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa) vào năm 1961. Tháng 12/2013, kiếm ngắn núi Nưa được công nhận là bảo vật quốc gia do đáp ứng các tiêu chí độc bản, hình thức độc đáo và có giá trị lịch sử đặc biệt.
Thanh kiếm ngắn có tượng người đẹp nhất Việt Nam
Được chế tác bằng đồng vào những năm đầu thế kỷ thứ ba, kiếm ngắn núi Nưa gồm hai phần chuôi và lưỡi đúc liền khối. Phần lưỡi dài 46,5 cm, rộng 5 cm, chuôi kiếm dài 18 cm, nặng 620 gram. Lưỡi kiếm khá mỏng, hai rìa sắc nhọn, chắn tay hình sừng trâu, được chế tác theo hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã. Cán kiếm là khối tượng tròn vừa tay nắm, khắc họa một người phụ nữ đứng nhìn thẳng. Đây cũng chính là nét độc đáo riêng có của kiếm ngắn núi Nưa khiến nó vượt qua nhiều thanh kiếm ngắn khác để trở thành bảo vật quốc gia.
Hình tượng người phụ nữ ở phần chuôi kiếm ngắn núi Nưa được thể hiện đầy quyền uy với hai tay chống nạnh. Khuôn mặt trái xoan, cằm hơi nhô ra, cặp mắt được thể hiện bằng hai vòng tròn đồng tâm, xung quanh có những chấm nhỏ, thể hiện cặp lông mày dài, cong. Sống mũi thẳng, miệng thon nhỏ, tai dài đeo đôi vòng to chấm vai, ngực và tay đeo vòng trang sức. Đầu tượng vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen. Bụng, eo tượng được thắt một dải rộng như cạp váy, lưng thắt dải dài phủ cả đằng trước và sau. Thân mặc áo chẽn, làm nổi rõ đường cong cơ thể. Áo cánh xẻ ngực, không cài khuy để lộ vạt yếm kín cổ bên trong.
Nghiên cứu trang phục của người Việt cổ trên chuôi kiếm ngắn núi Nưa, các nhà khoa học đều có chung nhận định, đây là bộ trang phục lộng lẫy được thêu dệt công phu, hoa văn trang trí trên váy và áo là dạng hình học, với những đường vạch ngắn song song, đường tròn đồng tâm đặc trưng của văn hóa Đông Sơn cách nay khoảng 2.000 năm. Kiểu mặc áo yếm này hiện vẫn phổ biến trong trang phục của phụ nữ Mường ở xứ Thanh.
Mối liên hệ giữa tượng phụ nữ trên thanh kiếm với Bà Triệu
Nhìn tổng thể hình dáng, trang phục và cách trang sức tượng người phụ nữ trên cán kiếm ngắn núi Nưa, đối chiếu với một số tượng chuôi kiếm, chuôi dao găm khác, các chuyên gia khẳng định đây là tượng người phụ nữ có hình thể đẹp, một vẻ đẹp quyền quý, thuộc tầng lớp quý tộc giàu sang. Từ phát hiện cán kiếm, dao găm có hình tượng người phụ nữ ở Thanh Hóa chứng tỏ chế độ mẫu hệ trong khoảng trước và những năm đầu thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên còn rất phổ biến tại đây, phản ánh vai trò và vị trí người phụ nữ rất được đề cao trong xã hội.
Nhiều giả thuyết cho rằng, hình tượng người phụ nữ trên thanh kiếm ngắn núi Nưa chính là nguyên mẫu từ Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) - nhân vật lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô nửa đầu thế kỷ thứ 3.
Theo sử sách, vùng núi Nưa là nơi Bà Triệu cùng anh trai Triệu Quốc Đạt (một huyện lệnh có thế lực ở vùng núi Quân Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc làng Yên Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa) dấy binh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của phương bắc. Năm Mậu Thìn 248, thấy quan lại nhà Đông Ngô (Trung Quốc) tàn ác khiến dân chúng khổ sở, Bà Triệu bàn với anh trai tập hợp nghĩa sĩ, luyện tập võ nghệ, đánh đuổi ngoại xâm giành lại giang sơn.
Từ hai căn cứ núi Nưa và Quân Yên, hai anh em Bà Triệu dẫn quân đánh chiếm quận lỵ Tư Phố nằm ở hữu ngạn sông Mã. Đây là căn cứ quân sự lớn của quan quân nhà Đông Ngô trên đất Cửu Chân, đứng đầu là Tiết Kính Hàn. Thừa thắng, lực lượng nghĩa quân chuyển hướng xuống hoạt động ở vùng đồng bằng. Đúng lúc khí thế quân ta lên cao thì Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh thấy bà Triệu có lòng can đảm hơn người bèn tôn lên làm thủ lĩnh. Khi ra trận, Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi và được tôn là Nhụy Kiều tướng quân.
Được tin cuộc khởi nghĩa lan nhanh, vua Ngô là Tôn Quyền liền phái tướng Lục Dận (cháu của Lục Tốn), sang làm thứ sử Giao Châu, đem theo 8.000 quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Đến nơi, tướng Lục Dận liền dùng của cải mua chuộc một số lãnh tụ địa phương để làm suy yếu và chia rẽ lực lượng nghĩa quân. Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược chép, Bà Triệu chống đỡ với quân Đông Ngô được năm sáu tháng thì thua và tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) cùng năm 248, lúc mới 23 tuổi.
Dù cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng hình ảnh người phụ nữ phi thường với câu nói đầy khí phách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta” vẫn còn nguyên giá trị.
Theo TS Sử học Lê Ngọc Tạo, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Thanh Hóa, việc dân gian liên tưởng, gắn kiếm ngắn núi Nưa với Bà Triệu chưa có căn cứ khoa học xác đáng. Tuy nhiên, căn cứ vào niên đại của thanh kiếm, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ quyền uy trên chuôi kiếm cùng với lòng tôn kính của người dân với Bà Triệu thì sự liên tưởng đó là hoàn toàn dễ hiểu.
“Kiếm ngắn núi Nưa là hiện vật quý và là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho phong cách chế tác đồ đồng lưu vực sông Mã thuộc thời đại văn hóa Đông Sơn. Những nét thể hiện trên trang phục nữ giới ở phần chuôi kiếm cho thấy vị thế xã hội đáng kể của họ xưa kia”, tiến sĩ Tạo nói.
Theo VnExpress