Chưa có hướng dẫn về mua sắm, vay mượn trong phòng chống COVID-19

(PLO)- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, dù Nghị quyết 30 đã tạo ra cơ chế đột phá, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết những “đặc thù, đặc cách, đặc biệt” trong mua sắm, vay mượn để phòng chống dịch tại các địa phương…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 6-1, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại đây, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá Nghị quyết 30 thực sự là sáng kiến pháp luật, với những giải pháp chưa có trong tiền lệ, đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phòng chống dịch COVID-19.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Ảnh: Trọng Phú)

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Ảnh: Trọng Phú)

Cụ thể như việc áp dụng các cơ chế “đặc biệt, đặc cách, đặc thù” đáp ứng điều kiện phòng chống dịch, Chính phủ và Bộ Y tế đã chủ động ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó có 7 Nghị quyết đặc thù để triển khai việc mua vắc xin cho chiến lược tiêm chủng quốc gia.

“Chúng ta thấy rõ hiệu quả của vaccine trong công tác phòng, chống dịch rất tốt. Một trong những thành công của Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch chính là vaccine” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Tuy nhiên theo bà Hà, những Nghị quyết liên quan đến việc mua vaccine mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của Trung ương mà chưa giải quyết được những khó khăn trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch ở địa phương.

“Tại các địa phương khi mua sắm thì chúng tôi vẫn thực hiện theo những quy định chung như Luật đấu thầu, mà chưa có những quy định cụ thể để hướng dẫn Nghị quyết 30 của Quốc hội” - bà Hà nói và cho hay điều này cũng được chỉ rõ trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ.

Phân tích kỹ hơn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương đã phải triển khai các biện pháp cấp bách như huy động, trưng dụng nhân lực, vật lực từ khối tư nhân.

Cùng với đó phải rút ngắn thời gian thủ tục mua sắm, tạm ứng vay mượn để có thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch.

Trong điều kiện thời gian gấp rút, khẩn cấp nên các địa phương chưa kịp đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai các giải pháp “quyết liệt, linh hoạt” trong phòng chống dịch này.

“Sau khi vay mượn như vậy thì hướng dẫn thực hiện như thế nào thì hiện giờ trong văn bản của Chính phủ cũng như Bộ Y tế chưa có hướng dẫn để địa phương giải quyết được những khó khăn mà đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch và mua sắm” - Bà Hà nói.

Theo đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề xuất Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn cụ thể để giúp các địa phương giải quyết vấn đề này. Cũng như các vướng mắc khác như: việc đặt hàng, xét nghiệm SARS Covid-2; xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ như kit test, máy móc, trang thiết bị để phòng chống dịch…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm