Chưa quyết liệt xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Ngày 5-10, tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) chín tháng năm 2012 cụm các tỉnh miền Đông Nam Bộ do Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN tổ chức tại Bình Phước, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc chậm xử lý hoặc không xử lý. Việc kê khai, công khai tài sản ở một số nơi còn hình thức. Thậm chí, một đại diện Văn phòng BCĐ PCTN tỉnh Ninh Thuận còn cho hay có trường hợp nhờ vụ mất trộm hơn 200 cây vàng, ngành chức năng mới phát hiện vị cán bộ này kê khai không trung thực.

Ngoài ra, việc các cơ quan đơn vị tự kiểm tra, phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ là rất ít. “Công tác phát hiện sai phạm sau thanh tra nhiều nhưng để làm rõ hành vi tham nhũng lại rất khó khăn” - đại diện Văn phòng BCĐ PCTN tỉnh Đồng Nai trăn trở. Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Chánh Văn phòng BCĐ PCTN TP.HCM, cũng cho biết công tác xử lý án tham nhũng hiện nay còn phức tạp, kéo dài. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng rất khó khăn.

Về giải pháp, nhiều đại biểu cho rằng cần tạo điều kiện, phát huy vai trò của báo chí trong công tác PCTN. Ông Phan Bá - Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ còn tồn đọng. Đồng thời, quyết liệt xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng…

l Ngày 4-10, Chính phủ đã hoàn tất dự thảo Luật PCTN sửa đổi, chuyển Ủy ban Tư pháp QH để thẩm tra trước khi chính thức trình QH thông qua tại kỳ họp thứ tư tới. Điểm mới nhất của dự thảo này so với bản trình Ủy ban Thường vụ QH trong phiên họp giữa tháng trước là không luật hóa BCĐ Trung ương về PCTN vào luật nữa.

Trước đó, dự thảo do Chính phủ trình đưa ra ba phương án, trong đó hai phương án đầu thể hiện các mức độ khác nhau về BCĐ Trung ương về PCTN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 vào luật. Phương án thứ ba là bỏ hẳn điều khoản về BCĐ.

Khi thẩm tra bản dự thảo trên, Ủy ban Tư pháp cho rằng hiện tại tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức Đảng từ trung ương tới cơ sở cũng như của tất cả đảng viên được điều chỉnh bởi các văn bản của Đảng. Mặt khác, BCĐ Trung ương về PCTN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 là một tổ chức đặc biệt của Đảng, trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm trưởng ban. Ban Nội chính Trung ương được tái lập cũng là một ban tham mưu cho Bộ Chính trị về công tác nội chính, đồng thời là cơ quan thường trực của BCĐ Trung ương về PCTN. Như vậy, các cơ cấu tổ chức này sẽ do các cấp có thẩm quyền của Đảng thành lập và hoạt động trên cơ sở các văn bản nội đảng.

Vì vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng không thể quy định vấn đề BCĐ theo mô hình mới này vào luật. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với công tác PCTN vẫn tiến hành theo các kênh của tổ chức Đảng. Còn tòa án, kiểm sát, điều tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan nhà nước khác vẫn thực hiện chức năng của mình về PCTN trong khuôn khổ pháp luật.

NGUYỄN ĐỨC - NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm