Chưa xác định thời điểm tăng giá điện

(PLO)- Chi phí đầu vào của ngành điện tăng nhiều năm nay, nhưng sau lần tăng giá điện cuối năm 2023, thời điểm này Bộ Công Thương cho biết chưa xác định thời điểm điều chỉnh tiếp theo.

Khả năng tăng giá điện là một nội dung chính được báo chí đặt ra trong cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay, 19-6.

Trả lời câu hỏi của báo chí về thời điểm tăng giá điện sắp tới, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng đến nay chưa có kết quả.

“Thời điểm nào tăng giá điện, tăng giá ở mức bao nhiêu vẫn còn phụ thuộc vào kết quả kiểm tra này” - ông Hữu nói.

Bộ Công Thương cho biết việc điều chỉnh giá điện sắp tới thế nào còn phụ thuộc kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Ảnh: AH

Áp lực tăng giá

Thông tin thêm, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho biết năm 2024, Thủ tướng đã có Quyết định 05/2024 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân với một số điểm mới so với cơ chế trước đó.

Tinh thần là nếu chi phí đầu vào mà giảm, thì giá điện sẽ được điều chỉnh giảm ngay. Tuy nhiên, trường hợp chi phí đầu vào tăng, thì việc tăng giá điện theo các biên độ 3%, 5%, 7%... sẽ phải thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, ứng với thẩm quyền của EVN, Bộ Công Thương, Thủ tướng.

Cái khó của ngành điện nằm ở chỗ điện là đầu vào của cả nền kinh tế. Trong khi cũng là năng lượng nhưng xăng, dầu từ lâu đã được điều hành, quản lý giá theo sát hơn với nguyên tắc thị trường, thì điện vẫn phải neo lại.

Gần đây nhất Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khi chủ trì họp về điều hành giá đã chỉ đạo là việc điều chỉnh giá điện phải có cơ sở đánh giá cụ thể. Bộ Công Thương trong tháng 6 này phải trình lại kết quả kiểm tra về giá. Lúc đó mới có cơ sở để tính toán tiếp.

Còn tại thời điểm tăng giá điện tháng 11-2023, giá bán lẻ điện bình quân được tăng thêm bình quân 4,5%, có thể nói là rất thấp so với diễn biến chi phí đầu vào của ngành điện.

Theo đó, giá than nhập khẩu đã tăng hơn 180% so với năm 2020 và 25% so với năm 2021. Giá than trộn mà Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản cung ứng cho các nhà máy cũng tăng bình quân từ 29,6% - 46,0% so với năm 2021... Đặc biệt, đầu tư cho ngành điện phải huy động lượng lớn nguồn vốn từ nước ngoài, nên rất nhạy cảm với biến động tỷ giá, khi mà tỷ giá ngoại tệ năm 2023 tăng khoảng 4% so với năm 2021.

Giảm nỗi lo thiếu điện

Tạm gác lại chuyện tăng giá điện, vốn không chỉ tác động tới ngành điện mà cả nền kinh tế, trong cuộc họp báo, các câu hỏi về tình hình cung ứng điện cũng được đặt ra.

Thông tin tích cực, như ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, chia sẻ là chắc chắn năm nay sẽ không thiếu điện như năm ngoái, dù nhu cầu điện rất cao, đến hết ngày 18-6, sản lượng điện tiêu thụ đạt khoảng 141,8 tỷ KWh.

Kết quả này có được là do cơ quan quản lý và ngành điện từ sau quý I, bắt đầu chuyển sang quý II đã “đề cao cảnh giác”, chuẩn bị kỹ các kế hoạch.

“Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát, từ nguồn nhiên liệu cho cung cấp điện như than, khí, nguồn nước cho thuỷ điện, vấn đề vận hành điện… Trong Cục Điều tiết điện lực thì lập tổ phản ứng nhanh, khi có vấn đề xảy ra thì phản ứng ngay để đảm bảo cung ứng điện” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới