Chuyển đổi số giúp đa dạng hoá nguồn thu cho báo chí

(PLO)- Nhiều giải pháp được các đại biểu đưa ra tại diễn đàn kinh tế báo chí 2023 nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề kinh tế báo chí hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-2, tại Bình Định, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức diễn đàn kinh tế báo chí 2023. Ngoài mục đích trao đổi, đánh giá thực trạng kinh tế báo chí hiện nay, diễn đàn còn nhằm chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta ...

Diễn đàn kinh tế báo chí 2023 với sự tham dự của hơn 100 đại biểu. Ảnh QN

Diễn đàn kinh tế báo chí 2023 với sự tham dự của hơn 100 đại biểu. Ảnh QN

Đây là một trong những chuỗi hoạt động của dự án Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024, mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển; đặc biệt giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại diễn đàn. Ảnh QN

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại diễn đàn. Ảnh QN

Cũng theo ông Tuấn, trong thời gian gần đây, để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí của địa phương, tỉnh Bình Định đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tăng ngân sách chi cho hoạt động truyền thông.

Trong đó, đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách, tập trung truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương theo cơ chế hợp tác truyền thông... để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, cho rằng doanh thu báo chí ở nhiều cơ quan báo chí trong nước sụt giảm mạnh, đứng trước những khó khăn nhất định.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại diễn đàn kinh tế báo chí 2023. Ảnh QN

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại diễn đàn kinh tế báo chí 2023. Ảnh QN

Do vậy, diễn đàn là cơ hội để đại diện các cơ quan báo chí tâm sự, giãi bày, chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm tốt để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí hiện nay mà nhiều cơ quan báo chí gặp phải với tinh thần lạc quan tiến về phía trước.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, kinh tế báo chí là “món ăn” hằng ngày, nhưng qua khảo sát trên không gian truyền thông chưa đề cập nhiều. Thậm chí, trong một số cuộc họp khi đề cập đến khái niệm kinh tế báo chí vẫn còn lác đác những quan niệm, câu hỏi: Tại sao phải thực hiện kinh tế báo chí, trong khi báo chí thực hiện nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, đại diện báo Nhân dân, cho rằng nguồn thu của các cơ quan báo chí trên thế giới có thể chia làm ba nhóm chính: Nguồn thu từ khách hàng quảng cáo, truyền thông chính sách hoặc thương hiệu; nguồn thu từ độc giả thông qua thu phí trên báo điện tử; nguồn thu từ hoạt động liên kết, hợp tác để tạo những giá trị mới như tổ chức sự kiện, môi giới dữ liệu, thương mại điện tử, khai thác nội dung đã xuất bản...

Một đại biểu đang trình bày tham luận tại diễn đàn kinh tế báo chí 2023. Ảnh QN

Một đại biểu đang trình bày tham luận tại diễn đàn kinh tế báo chí 2023. Ảnh QN

Trong khi đó, khó khăn đối với các toà soạn ở Việt Nam để tăng nguồn thu bao gồm: Cạnh tranh của truyền thông xã hội; thiếu cơ chế “đặt hàng” báo chí; vi phạm bản quyền. Đây là những khó khăn lớn nhất.

Đối với khó khăn về chuyển đổi số chậm; chiến lược kinh doanh chưa phù hợp; sức ì nội bộ thì phía toà soạn các cơ quan báo chí có thể giải quyết được.

Cũng theo vị này, tại Việt Nam, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn trên nền tảng số đều có nội dung chất lượng, có tính sáng tạo cao và lượng độc giả lớn. Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí.

Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của độc giả trung thành, song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng tiềm năng.

Phát biểu tham luận, đại diện báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), cho rằng trong sự bùng nổ truyền thông số, báo chí truyền thông đang có những có hội phát triển mới, đồng thời cũng có những thách thức mới. Để làm mới chính mình, việc hướng ra internet, phát triển các mô hình sản phẩm mới là điều tất yếu.

Chính vì thế, việc xác lập mô hình kinh doanh, tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới là nhiệm vụ quan trọng của báo chí truyền thông trong kỷ nguyên số. Các mô hình báo chí truyền thống có nhiều hạn chế trong việc xác lập mô hình kinh doanh, chủ yếu chỉ từ quảng cáo, tài trợ, dịch vụ. Do đó, việc tìm hiểu những mô hình kinh doanh mới cho báo điện tử nói riêng, báo chí nói chung là đòi hỏi bức thiết.

Cũng theo người này, trong bối cảnh hiện nay, nhiều tờ báo cũng đã nghiêm túc đặt vấn đề thu phí độc giả thông qua trang đăng ký dài hạn. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện đã có khoảng 20 cơ quan báo chí tại Việt Nam thử nghiệm thu thập dữ liệu của độc giả để tiến hành phân tích. Đây là bước tiếp cận đầu tiên để tiến tới có thể thu phí người dùng.

Đại diện VietnamPlus cũng đặt ra vấn đề là hiện nay các cơ quan chủ quản có nên yêu cầu các nhà mạng nước ngoài chia sẻ lợi nhuận khi chia sẻ lại thông tin từ báo chí.

Còn đại diện báo Tuổi Trẻ có hai kiến nghị nhằm ‘gỡ khó’ kinh tế báo chí hiện nay: Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ báo chí bằng cách giảm tối đa các loại thuế để báo chí có nguồn lực đầu tư phát triển nội dung và chăm sóc bạn đọc; những chính sách về bảo vệ bản quyền cần được thực hiện đến nơi đến chốn.

Tại diễn đàn các đại biểu còn đưa ra nhiều giải pháp cho kinh tế báo chí như “chuyển đổi số báo chí” nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm