Phát triển báo chí: 'Chạy Grab mà vẫn comple, cravat… thì rất vướng víu'

(PLO)- Đại biểu khi thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia đã phát biểu về quy hoạch báo chí cũng như sự tham gia của báo chí trên mạng xã hội
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-1, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG). Vấn đề quy hoạch báo chí đã được một số ĐB đề cập.

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đề cập thẳng thắn nhiều vấn đề thực tiễn báo chí.

Ông nói: Báo cáo của Chính phủ nêu quy hoạch hình thành lên mạng lưới 20% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn, tích cực trong XH để có hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về con số 20% cơ quan báo chí lớn, có ảnh hưởng lớn được ưu tiên đầu tư này.

"Vậy 80% các cơ quan báo chí còn lại thì sao? 80% các cơ quan báo chí này có quan trọng hay không? Có phải nếu chúng ta phân định thế này sẽ dễ dẫn đến sự phân tâm và đầu tư liệu đã hiệu quả?”, ĐB Nghĩa đặt vấn đề.

Ông cho rằng, "nếu cần tinh, không nhất thiết phải đông” thì nên đầu tư theo đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao. Chẳng hạn như Truyền hình Nhân Dân có tác phẩm “Việt Nam biên niên sử truyền hình” đã gây ảnh hưởng xã hội lớn, đầu tư chuyên sâu. Ban Tổ chức Trung ương có giải Búa Liềm vàng, Quốc hội vừa qua cũng phát động giải báo chí Diên Hồng…

“Cách đặt hàng như vậy tôi nghĩ là cần phải đầu tư hơn là việc chúng ta ưu tiên hơn vào các cơ quan báo chí theo hướng rất lớn nhưng hiệu quả... cần hết sức cân nhắc khi nguồn lực của chúng ta có hạn”, ĐB Nghĩa nói.

Về sáp nhập các cơ quan báo chí, ĐB Nghĩa cho rằng: hiện có quy hoạch báo chí hướng đến 2025, một số đơn vị đã sáp nhập cơ quan truyền thông như Quảng Ninh, Bình Phước…”Chúng ta cần có đánh giá tác động trước khi có định hướng lớn thế này trong sự phát triển của báo chí”, ông Nghĩa nói.

ĐB Đỗ Chí Nghĩa đề nghị đánh giá tác động việc hợp nhất các cơ quan báo chí. Ảnh: PT

ĐB Đỗ Chí Nghĩa đề nghị đánh giá tác động việc hợp nhất các cơ quan báo chí. Ảnh: PT

Theo ông, nếu sáp nhập thì riêng việc xây trụ sở đã tốn kém hàng trăm tỉ đồng, trong khi truyền hình, phát thanh, báo… có cách vận hành khác nhau. Không phải tỉnh nào cũng có nguồn lực để xây trụ sở cho các loại hình báo chí như vậy.

Nhận định hiện các Đài PTTH ở các địa phương đang hết sức khó khăn, ĐB Nghĩa đề nghị cân nhắc phát triển các Đài PTTH vùng để bớt đi chi phí hàng chục, hàng trăm tỉ, điều này cũng phù hợp với tinh thần phát triển, liên kết vùng.

Đề cập đến trang thông tin điện tử, ông Nghĩa hoan nghênh việc tích hợp giấy phép cho mạng xã hội (MXH) và trang thông tin điện tử (TTĐT) như đề xuất của Chính phủ.

Ông nêu thực trạng: “Hiện nay chúng ta đang yêu cầu MXH riêng, trang TTĐT riêng dẫn đến MXH được phép bình luận nhưng không được phép đưa các thông tin lên, trong khi trang TTĐT được phép đưa thông tin lên nhưng không được phép bình luận. Chúng ta tự hạn chế tác động xã hội của mình trong khi các MXH nước ngoài không bị chế tài này”.

Ông Nghĩa đề xuất xem xét vấn đề này để tăng sức ảnh hưởng của các bài báo, thông tin hay trên báo chí. Đây là thế mạnh cần được lan tỏa trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí cần đưa thông tin mạnh mẽ lên MXH, sẵn sàng bình luận (comment) đa chiều để cạnh tranh tích cực hơn.

“Tôi nghĩ đã lên MXH thì chúng ta phải có những phương thức linh hoạt hơn. Nếu chúng ta chạy Grab mà vẫn comple, cravat thì rất vướng víu”, ông Nghĩa nói.

Báo chí nhiều quá, chồng chéo, có vi phạm

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng: để thực hiện tốt định hướng phát triển các cơ sở báo chí, xuất bản, PTTH, TTĐT, thông tin đối ngoại, thì mục tiêu “tổ chức, sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in” cần được thực hiện tốt.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga lại đề nghị không cần "khuyến khích" sáp nhập các cơ quan báo chí mà phải làm nghiêm vì báo chí nhiều quá, chồng chéo. Ảnh: PT

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga lại đề nghị không cần "khuyến khích" sáp nhập các cơ quan báo chí mà phải làm nghiêm vì báo chí nhiều quá, chồng chéo. Ảnh: PT

ĐB Nga đề nghị không nên chỉ là “khuyến khích tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của các bộ, ngành, trung ương theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng” mà cần bỏ từ "khuyến khích”.

Theo bà Nga, nếu chỉ dừng ở “khuyến khích” thì tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Bà Nga nại ra việc hiện nay có nhiều cơ quan báo chí và hoạt động của các cơ quan báo chí còn có sự chồng chéo, còn nhiều vi phạm.

Từ đó, bà Nga cho rằng: tổ chức lại, sáp nhập và hợp nhất các cơ quan báo chí là việc rất cần phải thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới chứ không chỉ dừng ở mức độ “khuyến khích”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm