Chuyên gia hiến kế cách ly ​và điều trị F0 ở TP.HCM

Tình hình dịch ở TP.HCM đang diễn biến phức tạp, số F0 tăng nhanh, trong đó chủ yếu là F0 không triệu chứng, gây quá tải cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

TP đã liên tục thành lập bệnh viện (BV) dã chiến để cách ly người bệnh. Với tốc độ gia tăng ca mắc COVID-19 mỗi ngày, ngành y tế đang chuẩn bị phương án 50.000 giường điều trị để chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, có khoảng 80% số ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tuy nhiên vẫn có tỉ lệ bệnh nhẹ chuyển nặng rất nhanh. Hầu như ngày nào xe cấp cứu cũng có việc phải chuyển viện trường hợp bệnh nhẹ chuyển nặng.

Xét nghiệm diện rộng truy vết F0 trong cộng đồng tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phân loại, tách nhóm F0 để quản lý bệnh

Theo góp ý của chuyên gia dịch tễ học, BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc mở cơ sở dã chiến mới để liên tục đưa F0 không triệu chứng vào cách ly hiện chưa hợp lý, cần có sự phân loại và tách nhóm riêng để quyết định cho ở xa trung tâm hay ở gần nơi có điều kiện điều trị bệnh nặng hơn.

Cụ thể, nhóm F0 gần như không có nguy cơ chuyển nặng có thể cho cách ly ở nơi xa trung tâm hay tại nhà nếu có điều kiện. Nhóm có thể chuyển nặng nhưng không nhiều thì cho ở gần trung tâm. Nhóm có nguy cơ cao chuyển nặng thì cho ở ngay trung tâm gần BV có hệ thống hồi sức tốt. Việc phân loại sẽ giúp lực lượng y tế vận chuyển người bệnh nguy cơ nặng đến nhanh nhất nơi chữa bệnh nặng, không phải thường xuyên di chuyển xa.

“Chẳng hạn, qua quá trình điều trị nhận thấy người dưới 50 tuổi, không có bệnh nền khó có nguy cơ chuyển bệnh nặng thì đưa về cơ sở dã chiến ở xa trung tâm hơn. Hiện nay các trường hợp F0 không triệu chứng ở rải rác các nơi, mỗi lần chuyển nặng, xe cấp cứu phải đến nơi chở về BV điều trị sẽ tốn sức hơn” - BS Khanh gợi ý.

BS Khanh cũng lưu ý bệnh nhân trẻ tuổi mắc COVID-19 không có bệnh nền chuyển nặng có tỉ lệ rất thấp, tuy nhiên virus SARS-CoV-2 có thể gây ra hội chứng thiếu ôxy, nhìn bên ngoài khó có thể nhận biết được cho đến khi người bệnh bị thiếu ôxy lâu quá ngã lăn đùng ra. Do đó, nhân viên y tế phải theo dõi sát dấu hiệu thiếu ôxy của bệnh nhân.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện mà có thể tính đến phương án cách ly tại nhà F0 không triệu chứng, cách quản lý cũng tương tự như F1 và phải chặt chẽ hơn.

Cũng theo BS Khanh, quy định nhân viên y tế phải xét nghiệm nhiều lần đối với F1 cách ly tại nhà không cần thiết, có thể giao cho họ test nhanh để tự làm, đến ngày kết thúc cách ly thì làm xét nghiệm PCR.

Theo BS Khanh, để tiết kiệm đồ bảo hộ y tế, F0 không cần phải mặc đồ bảo hộ, chỉ mang khẩu trang là đủ vì virus bắn ra từ mũi, miệng.

Về việc xét nghiệm nhanh COVID-19, BS Khanh cho rằng cần cho phép người dân tự làm test nhanh, hướng dẫn cách test, người có nguy cơ thì làm ba ngày một lần, đặc biệt là những vùng tập trung đông. Công ty nhận thấy nguy cơ cũng có thể tự thực hiện test cho công nhân của mình. Ở nước ngoài như Singapore, người dân đang tự thực hiện test nhanh khá hiệu quả.

Sắp xếp ba khu điều trị

BS Lương Trường Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, đồng tình việc sàng lọc, phân tuyến khoa học các cơ sở cách ly, chăm sóc, theo dõi điều trị cho người nhiễm SARS-CoV-2 ngay lúc này là vô cùng cần thiết.

BS Sơn gợi ý chia thành ba khu, gồm: Khu không triệu chứng (khu A), khu bệnh có triệu chứng (khu B) và khu bệnh vừa và nặng (khu C) theo đặc điểm bệnh tật, nhu cầu chăm sóc và khả năng chuyên môn.

Trong đó, khu A sẽ thu dung những người nhiễm virus không triệu chứng. Nếu tại gia đình có đủ điều kiện thì nên cách ly theo dõi tại nhà, giao cho trạm y tế xã hoặc phường theo dõi y tế định kỳ. Nếu gia đình không đủ điều kiện thì đưa đến khu tập trung tại chỗ (xã/quận). Đối với những đối tượng này, cần chú trọng liệu pháp tâm lý, tăng cường sức đề kháng cho họ bằng cách cho thể dục thể thao hằng ngày, ăn uống ngủ nghỉ điều độ, giải trí phù hợp. Bên cạnh đó, theo dõi và ghi chép diễn biến xuất hiện triệu chứng sốt, ho… sáng chiều, nếu có thì chuyển khu B. Làm test định kỳ cho người bệnh, nếu âm tính hai lần liền thì trả về gia đình, cách ly như F1.

Theo BS Sơn, cần ưu tiên F0 không triệu chứng được theo dõi tại chỗ (nhà hoặc y tế phường, xã/quận) và xử phạt thật nặng (3-5 triệu đồng) hành vi vi phạm.

Ở khu bệnh nhân có triệu chứng (khu B), cần chữa triệu chứng, nâng cao sức đề kháng, liệu pháp tâm lý. Làm test định kỳ, nếu âm tính thì trả về gia đình cách ly như F1, nếu nặng hơn thì chuyển sang khu C.

Ở khu bệnh nhân vừa và nặng (khu C), cần chia ra khu bệnh nhân có bệnh nền và khu bệnh nhân không bệnh nền. Ở khu có bệnh nền chia ra khu vừa và nặng, ưu tiên tư vấn tâm lý và điều trị bệnh nền. Khu bệnh nhân không bệnh nền, ưu tiên chữa triệu chứng kết hợp với liệu pháp tâm lý. Nếu bệnh nhân tiến triển tốt thì chuyển về khu B.

Theo gợi ý của BS Sơn, cần sắp xếp liên hoàn khu B, C tại một BV lớn là tốt nhất, để đảm bảo các khâu nhân lực, hậu cần, vận chuyển bệnh nhân từ khu này sang khu kia, giảm nguy cơ lây lan cho cộng đồng và công tác hậu sự nếu không may cũng được tập trung.

BS Sơn nhấn mạnh: Liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân COVID-19 hết sức quan trọng, góp phần giảm tỉ lệ tử vong rất nhiều.

Các tỉnh, thành được thí điểm cách ly F1 tại nhà

Chiều 12-7, Văn phòng Chính phủ thông báo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Y tế về việc cho phép thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo đề nghị của các tỉnh, TP.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, TP thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà đảm bảo an toàn. “Căn cứ phản hồi của các tỉnh đang thực hiện, Bộ Y tế rà lại hướng dẫn cho sát với thực tiễn” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo TP.HCM về tình hình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, sáng 12-7, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, cho biết TP đang triển khai kịch bản cách ly F1 tại nhà, khách sạn trong tình huống có 20.000 trường hợp F0 và 200.000 trường hợp F1.

“TP.HCM mong muốn Bộ Y tế tháo gỡ, điều chỉnh một số điều kiện để cách ly F1 tại nhà ở các khu chung cư, nhà xây mới bảo đảm điều kiện, có sự tham gia giám sát của 17.000 tổ COVID-19 cộng đồng… Còn những ngõ, hẻm nhỏ, khu nhà trọ tập trung đông dân cư thì phải đưa các F1 đi cách ly tập trung để bảo đảm an toàn dịch bệnh” - ông Hiệp nói.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Y tế cần khẩn trương cùng với TP.HCM bàn bạc, căn cứ tình hình thực tiễn để có hướng dẫn mới phù hợp, tinh thần hiệu quả là trên hết. PV 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm