Áp lực của TP.HCM trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Sáng 12-7, tại buổi làm việc của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế với Sở Y tế TP.HCM, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết số ca F0 liên tục tăng cao đã tạo áp lực rất lớn cho khối điều trị tại TP.HCM.

Sẵn sàng có kịch bản cho 50.000 giường điều trị

Hiện TP.HCM đã chuẩn bị được 28.500 giường thu dung bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, dự kiến sẽ tăng lên 30.000 giường và sẵn sàng có kịch bản cho 50.000 giường, ước tính trung bình 1.000 giường bệnh cần khoảng 200 nhân lực y tế.

TP.HCM hiện cần khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung cho khối điều trị. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thêm hơn 2.300 ca nhiễm trong ngày, TP.HCM chiếm hơn 1.700 ca

Bộ Y tế tối 12-7 ghi nhận 603 ca COVID-19 mới trong nước. Tính trong cả ngày 12-7, Việt Nam ghi nhận 2.367 ca ở 27 tỉnh, thành, chủ yếu tại TP.HCM (1.764 ca). Ngày 12-7 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm một ngày. TP.HCM cũng ghi nhận ngày có số ca nhiễm cao nhất (1.764 ca), là ngày thứ tư liên tiếp TP ghi nhận hơn 1.000 ca mỗi ngày. 

Cạnh đó, số ca mắc gia tăng thì số bệnh nhân nặng cần hỗ trợ chuyên sâu cũng sẽ tăng tương ứng. Về thu dung và điều trị cho các trường hợp nặng, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay TP.HCM cũng có 6.500 giường tại các bệnh viện (BV) chuyên điều trị COVID-19. Trong đó, 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng và nguy kịch được bố trí ở bốn BV lớn là BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV Nhân dân Gia Định và BV Nhân dân 115.

Ngành xây dựng cũng đã chuẩn bị nguồn căn hộ dự phòng tại các chung cư và khu tái định cư, dự kiến 40.000 giường điều trị để sẵn sàng điều động và hỗ trợ ngành y tế khi cần thiết.

TP.HCM đã huy động tổng lực nguồn lực từ các đơn vị trên địa bàn cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn TP trong thời gian qua để đáp ứng nhu cầu nhân sự, đồng thời ngành y tế TP cũng đã lập kế hoạch về nhu cầu nhân lực y tế để bổ sung cho khối điều trị.

TP.HCM hiện cần khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung cho khối điều trị theo hai đợt. Lực lượng này sẽ tham gia chăm sóc người bệnh tại các BV dã chiến thu dung, điều trị COVID-19; điều trị người bệnh tại các BV điều trị COVID-19 có triệu chứng, các BV chuyên hồi sức chuyên sâu bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch… đồng thời tham gia chia lửa để giảm tải cho các lực lượng y tế tuyến đầu.

Về vấn đề nhân sự chi viện cho công tác phòng chống dịch tại TP.HCM, Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng gần 10.000 nhân sự vừa hỗ trợ phòng chống dịch, vừa để thay đổi nhân lực (luân chuyển, đảo quân) đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại TP.

Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, dựa trên kế hoạch, nhu cầu nhân lực chi tiết từ TP.HCM, bộ sẽ có kế hoạch điều phối, hỗ trợ nhân sự phù hợp. Giai đoạn 1, bộ đã làm việc với các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu này.

Bộ Y tế cũng đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các BV trung ương trên địa bàn và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên các trường y tế trên cả nước trong tuần này sẽ có mặt tại TP.HCM.

Sáng cùng ngày, 350 sinh viên, giảng viên Trường ĐH Y Dược Thái Bình đã đầy đủ điều kiện sẵn sàng lên đường đến TP.HCM, 150 thành viên khác cũng trong trạng thái “dự bị sẵn sàng”.

Sắp đưa vào hoạt động Trung tâm Hồi sức COVID-19 1.000 giường

Sở Y tế TP.HCM cho biết trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP quyết định chuyển đổi công năng khu vực điều trị nội trú của BV Ung bướu Cơ sở 2 thành Trung tâm Hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường.

Do đó, thay vì có ba tầng thì các cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 sẽ có bốn tầng.

Trung tâm Hồi sức COVID-19 có điểm thuận lợi là hạ tầng sẵn có của một BV có cấu trúc hạ tầng hiện đại, có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân. Trung tâm có đầy đủ các phương tiện thở ôxy, thở máy không xâm lấn HFNC, thở máy xâm lấn. Tất cả giường bệnh đều có hệ thống ôxy trung tâm và hút trung tâm. Trong đó có 100 giường săn sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm bên cạnh ôxy và hút trung tâm - điều kiện giúp triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch.

Tính đến nay, ngoài BV Bệnh nhiệt đới và BV Chợ Rẫy được Bộ Y tế phân công là tuyến cuối về điều trị COVID-19, TP còn có thêm Trung tâm Hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường, với sự tham gia của các y, bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu của BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định và các y, bác sĩ chuyên khoa được luân phiên đến công tác từ các BV đa khoa hạng I của TP và các tỉnh, thành do Bộ Y tế điều động.

Bộ Y tế yêu cầu 62 tỉnh, TP cách ly 14 ngày tất cả người đến từ TP.HCM

Ngày 12-7, Bộ Y tế ban hành công văn điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm đối với người từ TP.HCM về địa phương.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người về từ TP.HCM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, TP khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) từ bảy ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Thực hiện xét nghiệm ba lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ bảy và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm