Chuyên gia nói về tình trạng tiêu cực giữa giáo viên và học sinh

(PLO)- Chuyên gia đề nghị cần chấn chỉnh phong cách giao tiếp - ứng xử giữa giáo viên và học sinh. Đồng thời trang bị kiến thức giúp trẻ tránh bị xâm hại, bạo lực học đường.

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ bê bối học đường liên quan đến giáo viên và học sinh như thầy giáo xâm hại 2 học sinh lớp 4, giáo viên đánh gãy ngón tay học sinh, nữ sinh quỳ gối khóc trước cửa lớp,... khiến nhiều phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con cái ở môi trường học đường, nơi đáng lẽ phải là sự chuẩn mực của đạo đức và tri thức.

Vô tình hay cố ý?

Mới đây, ngày 25-10, Công an tỉnh Bình Thuận công bố quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam NVN (giáo viên một trường tiểu học) để điều tra về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Theo thông tin, N đã nhiều lần xâm hại hai nữ học sinh lớp 4. Tuy nhiên các nạn nhân đã không dám phản kháng, đến lúc phụ huynh gặng hỏi mới bại lộ hành vi đồi bại của N.

Trước đó không lâu, ngày 4-10, trong lúc dạy học, một cô giáo đã có hành vi thiếu chuẩn mực đánh học sinh. Nạn nhân được chẩn đoán là “gãy xương ở vị trí nền của xương đốt ngón gần – ngón 4 – do chấn thương”. Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình nạn nhân đã đề nghị nhà trường xử lý sai phạm của giáo viên.

Tương tự, ngày 30-9, do đặt sai loại bánh mà cô chủ nhiệm yêu cầu, nữ sinh bị yêu cầu ra đứng trước cửa lớp. Sau đó, nữ giáo viên ra ngoài và có hành động mắng, túm áo và kéo lê học sinh C., trong khi nữ sinh này liên tục khóc lóc, hoảng loạn ôm chân cô giáo. Sự việc đã được một học sinh khác quay clip và đăng tải trên mạng xã hội. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu sở GD&ĐT và UBND huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ sự việc.

Cần linh hoạt trong giao tiếp ứng xử

ThS Đinh Văn Mãi, chuyên ngành Công tác xã hội, giảng viên trường ĐH Văn Lang cho rằng cần lên án giáo viên bạo hành hay xâm hại học sinh dù chủ thể khiêu khích là ai. Những vụ việc giáo viên bạo hành về thể chất, tinh thần và tình dục đối với học sinh thời gian qua là hồi chuông cảnh tỉnh về phong cách giao tiếp - ứng xử giữa giáo viên và học sinh. Điều này yêu cầu cần có sự linh hoạt trong cách giao tiếp ứng xử của giáo viên.

Theo ThS Mãi, việc giáo viên có hành vi bạo lực với học sinh để lại nhiều hậu quả. Học sinh cảm thấy sợ hãi, tự ti, hoài nghi và tự trách móc bản thân, lo lắng về kết quả học tập. Ngay cả phụ huynh cũng có ấn tượng không tốt và mất niềm tin đối với giáo viên và nhà trường. Cuối cùng, giáo viên đánh mất uy tín, danh dự của bản thân do thiếu kiểm soát cảm xúc hoặc lạm dụng quyền lực.

ThS Đinh Văn Mãi, Chuyên ngành Công tác xã hội, giảng viên trường Đại học Văn Lang

Chia sẻ về việc trang bị kiến thức giúp trẻ tránh bị xâm hại, bạo lực học đường,… ThS Mãi cho biết phần lớn phụ thuộc vào giáo dục trong gia đình. Phụ huynh cần tạo môi trường gia đình tốt đẹp, nơi các thành viên được đối xử tử tế, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau.

“Phụ huynh cần hiểu rằng những hành vi, cách xưng hô, ứng xử của mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ” – ThS Mãi nhấn mạnh.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần giáo dục trẻ thấu hiểu và tôn trọng cơ thể của chính mình và người khác, kiềm chế cảm xúc khi nóng giận. Trong trường hợp bị bạo hành, trẻ cần hô to, ra tín hiệu cầu cứu với những người xung quanh, báo lại ngay với gia đình để được bảo vệ và tìm hướng giải quyết mâu thuẫn, bạo lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới