Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp tại hội thảo về hoàn thiện pháp luật kinh doanh lĩnh vực xây dựng ngày 13-12 nói.
Khi so sánh những nhiêu khê trong việc cấp và thực hiện giấy phép xây dựng, ông Hiệp nhận thấy các quy định pháp luật thật rối rắm, phức tạp so với quy định các nước.
Tuy vậy, câu chuyện liên quan tới cái… toilet, thậm chí còn kinh khủng hơn cả điều ông Hiệp dẫn ra. Bởi đầu năm 2017, TAND của một huyện nọ thậm chí đã mở cả một phiên tòa lưu động xử một công dân 18 tháng tù mà nguồn cơn xảy ra sự vụ chỉ vì người đó xây cái toilet trong đất nhà mình.
Cụ thể là việc xử phạt của các lực lượng chức năng cấp phường đã khiến công dân nói trên nóng giận và xô xát xảy ra. Kết quả là anh bị kết tội… chống người thi hành công vụ. Và rồi công dân này vướng vòng lao lý. Cũng may cho công dân ấy khi vào tháng 5-2017, phiên phúc thẩm đã giảm cho anh 365 ngày tù.
Có vẻ đây là chuyện “con kiến, củ khoai” nên anh “đành xuôi tay, đi chấp hành án cho xong để còn được về sớm với mẹ già và hai đứa con nhỏ. Lời tâm sự như ai oán này khiến cho pháp luật có phần mất đi tính tôn nghiêm và nhân văn vốn có.
Nhưng sự khốn khó của người dân vì xây dựng trên đây không phải là cá biệt.
Năm 2016, một số vụ việc liên quan đến xây chuồng gà, chòi vịt… của người dân bị cán bộ phát hiện cũng làm dấy động dư luận. Một chủ chòi vịt ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), thậm chí cũng mém rơi vào vòng lao lý, bởi chuyện cất chòi vịt mà không xin phép…
Nói thẳng ra, những chuyện này là rất nực cười nếu so sánh với những công trình vi phạm pháp luật về xây dựng như tòa nhà 8B Lê Trực và những sai phạm có hệ thống của Tập đoàn Mường Thanh khắp ba miền.
Tòa nhà 8B Lê Trực cho đến nay vẫn chưa được xử lý rốt ráo dù đích thân Thủ tướng cũng đã nhiều lần lên tiếng. Những sai phạm của Mường Thanh thì cứ bị… “nâng lên, hạ xuống”, nói khởi tố rồi lại đính chính khiến cho công luận không khỏi bất ngờ.
Còn nhớ, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền từng đặt vấn đề về áp dụng pháp luật trước Quốc hội ngày 6-11 rằng: “Người dân vi phạm đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể”.
Nếu cái kiểu như thế này tiếp tục diễn ra thì thử hỏi làm sao người dân không băn khoăn trước sự công bình của luật pháp. Tất nhiên bản thân luật pháp chẳng có tội tình gì…