Chuyến tàu nào cũng dừng lại, hướng về Gạc Ma…

(PLO)- Đoàn tàu nào từ đất liền đến thăm Trường Sa cũng đều dừng lại ở Gạc Ma.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đoàn tàu nào từ đất liền đến thăm Trường Sa cũng đều dừng lại ở Gạc Ma. Sau hơn ba thập niên bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép và “thay hình đổi dạng” hòng biến cái của chúng ta thành cái của họ, Gạc Ma bây giờ đã rất khác. Thế nhưng, không một ai quên rằng chỉ có Việt Nam mới có chủ quyền không thể chối cãi ở vùng biển này.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ khi tàu HQ996 đi ngang qua vùng biển Gạc Ma - Len Đao. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ khi tàu HQ996 đi ngang qua vùng biển Gạc Ma - Len Đao. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Các chuyến tàu chở những người con từ đất liền đến thăm quần đảo Trường Sa sẽ có những hải trình khác nhau nhưng hải trình nào cũng sẽ dừng chân tại vùng biển, đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Đúng 35 năm trước, Trung Quốc (TQ) ngang nhiên nổ súng và các chiến sĩ ở Gạc Ma đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Từ Cô Lin qua Gạc Ma chỉ vài hải lý nên khi tàu dừng ngay “trước cửa” đảo đá này, ai cũng có thể nhìn một Gạc Ma đã bị TQ bồi lấp, xây dựng phi pháp với quy mô lớn lên đến hàng chục hecta. Hình ảnh vệ tinh hoặc dùng ống nhòm có thể thấy tòa nhà cao tầng, radar hàng hải, ăngten parabol, radar điều khiển hỏa lực, hệ thống súng pháo, tháp radar đối không… TQ trang bị ở nơi này, nơi vốn chưa bao giờ thuộc về quyền sở hữu hợp pháp của họ.

Lịch sử Việt Nam (VN)và cả quốc tế đều ghi nhận cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma củacác cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân VN. Luật pháp quốc tế đứng về phía yêu sách của VNđối với vùng biển này. Sách vở, báo, đài cả trong nước lẫn nước ngoài đều đã nói rất nhiều về câu chuyện Gạc Ma, dù thông điệp chỉ có một: Đó là một cuộc chiến chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền, bảo vệTổ quốc của VN trước TQ; và Gạc Ma dù có bị chiếm đóng, quân sự hóa, đe dọa và chống tiếp cận thì đó vẫn mãi là một phần chủ quyền, là “máu thịt” của VN chứ không phải của TQ.

Ai cũng sẽ không quên Gạc Ma và nhắc nhở nhau không quên phần “máu thịt” ấy của Tổ quốc dù đã từng đến vùng biển này hay chưa. Thế nhưng dừng chân “trước cửa” Gạc Ma, thắp nén hương, thả một nhành hoa xuống biển, hướng về nơi cha ông “thà nằm xuống, quyết không rời”, “Tổ quốc ở biển Trường Sa” như hiện lên trước mắt, gần đến mức tưởng chừng có thể chạm được và ôm trọn vào lòng những linh khí thiêng liêng, cảm nhận thấu tâm can sự oanh liệt mà cha anh đã ngã xuống để bảo vệ Gạc Ma. Những hình ảnh về sự kiện Gạc Ma từng đọc ở đâu đó, hay từng nghe nhân chứng của cuộc chiến năm 1988 kể lại… như đang ùa về, rất thật!

Lễ tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân VN anh dũng hy sinh để bảo vệ Gạc Ma có lẽ là một điểm nhấn xúc động nhất trong chuyến hải trình nhiều ngày ở Trường Sa. Có lẽ vì vậy nên chuyến tàu nào đến Trường Sa cũng đều dừng lại ở Gạc Ma chuyến tàu nào cũng làm người đi thương nhớ Gạc Ma. Hằng năm cứ vào những ngày đầu tháng 3, rất nhiều nơi từ Bắc chí Nam, từ đất liền ra hải đảo, từ trong nước đến kiều bào ở khắp nơi, hễ là người VN thì đều một lòng tưởng nhớ đến sự kiện Gạc Ma, vùng biển trời của quê hương, dân tộc.

Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và công luận đứng về phía VN khi nhắc đến Gạc Ma. Thế nhưng đấu tranh gìn giữ, bảo vệ chủ quyền chưa bao giờ là một “bài toán” dễ dàng, nhất là với Gạc Ma - vùng biển, đảo bị chiếm giữ, thay đổi thành một tiền đồn quân sự. Trong lúc Chính phủ, các cơ quan, ban ngành triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, an ninh, quốc phòng trên nền tảng “thượng tôn pháp luật” thì ai cũng mong bất kỳ người Việt nào cũng sẽ tiếp tục không quên Gạc Ma và chuyến tàu nào đến thăm Trường Sa cũng sẽ dừng lại lâu hơn một chút ở vùng biển thiêng liêng này…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm