Chị Ngọt cho biết, sẽ đi tìm bằng chứng để mọi người không hiểu sai về mình.
Chị Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) hiện đang cố gắng tìm những chứng cứ để chứng minh mình là chủ nhân số tiền 5 triệu yên. Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú quận Tân Bình) vẫn miệt mài bên xe đẩy ve chai.
Chị Ngọt cho biết, sáng 4-5, chị đang liên hệ một số luật sư để nhờ hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý. Đồng thời, chồng chị cũng liên hệ một số người bạn đang dạy học ở Nhật, người làm giấy tờ passport ở Nhật, để chứng minh ông từng sinh sống, lao động ở đó.
Chị Ngọt bức xúc nói: “Mọi người nói tôi đến “phút 89” mới nhận tiền rồi suy diễn tôi nhận bừa, khai man. Thật sự không phải, đầu tháng 4-2015 tôi đã nộp đơn lên công an. Tôi không hiểu tại sao cận ngày công an mới nói cho chị Hồng biết. Đáng ra, người đặt câu hỏi là tôi vì nhiều lần tôi làm việc với công an họ đều tỏ thái độ né tránh”.
Chị Ngọt cho biết hôm đi gặp chị Hồng và gặp công an chị có quay video bằng thiết bị camera được gắn trước ngực. Nội dung đoạn video này hiện chị Ngọt không tiết lộ nhưng đến lúc cần chị sẽ công bố.
Đôi vợ chồng mua ve chai nói dù giàu hay nghèo họ vẫn lao động, vẫn yêu thương nhau.
Riêng chị Hồng cho biết vẫn chưa nhận một thông báo nào từ cơ quan chính quyền. “Tôi vẫn đang mù tịt thông tin chỉ theo dõi vụ việc của mình thông qua báo, đài”- chị Hồng nói.
* Ông Nguyễn Văn Trí, chánh án TAND Tân Bình cho biết đến thời điểm hiện tại, TAND quận Tân Bình chưa nhận bất kỳ hồ sơ, tài liệu hay chứng cứ liên quan đến vụ việc tranh giành quyền sở hữu 5 triệu Yen, ngoại trừ 1 công văn của cơ quan CSĐT. Công văn này cho rằng do diễn biến sự việc phát sinh tranh chấp nên cơ quan CSĐT sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án để giải quyết.
Theo ông Trí, đối với vụ việc trên, tòa án vẫn chưa phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các quy định của pháp luật đã nêu rõ tòa án chỉ vào cuộc khi sự việc có tranh chấp. Tuy nhiên, vụ việc này vẫn chưa xác minh cụ thể các đối tượng trong phạm vi tranh chấp (ai là người tranh chấp, tranh chấp với ai). Thực tế, chị Hồng - người tìm thấy 5 triệu Yen chỉ là người nhặt được khoản tiền này và giao nộp cho cơ quan chức năng chứ không tranh chấp với ai. Cơ quan CSĐT đã thu giữ và gửi khoản tiền trên cho kho bạc nhà nước để bảo quản.
Đặt trường hợp có người đến nhận lại nhưng cơ quan công an nhận thấy không có đủ căn cứ, cơ sở nên không giao lại tài sản thì đương sự có quyền kiện cơ quan CSĐT hay không? Như vậy, vụ việc này chỉ xác định được người có quyền khởi kiện nhưng không xác định được người bị kiện. Đây cũng là vấn đề cần phải xem xét.
Mặt khác, đến thời điểm hiện tại, bà Phan Thị Ngọt (người tự nhận là chủ sở hữu 5 triệu Yen) chưa có căn cứ hay bằng chứng thuyết phục để yêu cầu xin lại số tiền. Nếu số tiền này là của chồng bà Ngọt thì người chồng phải trực tiếp làm đơn xin nhận lại hoặc làm giấy ủy quyền hợp lệ cho bà Ngọt đứng ra xin nhận lại tài sản. Chưa hết, cơ quan chức năng cũng phải chứng minh nguồn gốc, quá trình vận chuyển về Việt Nam của 5 triệu Yen. Giả sử số tiền này không rõ nguồn gốc, đưa về Việt Nam theo con đường bất hợp pháp thì sẽ bị tịch thu, thậm chí xử lý hình sự.
“Nếu hồ sơ chuyển qua TAND quận Tân bình, chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của TAND TP về vấn đề xử lý vụ việc” - ông Trí cho hay.
Liên quan đến thông tin chuyển vụ việc cho Sở Tài chính TP HCM xử lý, ông Trí cho rằng pháp luật quy định rất rõ về quyền xác lập chủ sở hữu tài sản. Do đó, vụ việc này không thể giao cho Sở Tài chính hay bất kỳ sở ban ngành nào giải quyết vì 5 triệu Yen chưa xác lập quyền sở hữu của tập thể hay bất kỳ cá nhân.