Chuyện về tướng cướp cảm thấy tự do khi... ở tù

Người đàn ông ấy là Đoàn Văn Thỏa (SN 1970), quê ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

25 năm lấy biển làm nhà

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, vì siêng ăn nhác làm, đua đòi theo đám bạn xấu nên 19 tuổi Thỏa đã cầm đầu một băng cướp lớn.

Thời điểm năm 1989, mỗi lần đi qua Đèo Ngang (giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) là cánh tài xế “kinh hồn bạt vía” vì băng nhóm của Thỏa luôn “xin đểu”, cướp bóc.

Nhập mô tả cho ảnh
Đoàn Văn Thỏa khi bị bắt lần một.

Những vụ cướp đi vào tầm ngắm của cơ quan công an, năm đó Thỏa và đồng bọn bị bắt. Đoàn Văn Thỏa bị tòa án tuyên phạt 7 năm 9 tháng tù giam và được được đưa đến Trại giam Đồng Sơn để thi hành án.

Sau ba năm cải tạo, không chịu nổi cảnh tù túng, cực khổ nên trong một lần đi lao động ngoài trời, lợi dụng lúc giám thị sơ hở, Thỏa chạy vào rừng trốn thoát. Sau khi thoát khỏi trại giam, anh ta bắt xe vào Bình Định rồi xin làm công cho một chiếc thuyền đánh cá trên biển.

Nửa năm sau, cảm thấy nơi này ở lâu không an toàn, Thỏa tiếp tục trốn ra đảo Phú Quốc rồi di chuyển đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) đổi tên thành Lâm Trung Thành, khai với chính quyền địa phương là từ ngoài Bắc vào làm kinh tế mới.

Trong suy nghĩ của Thỏa, chỉ có biển cả mới vừa là nơi kiếm ăn và là nơi tuyệt vời để che giấu được thân phận thật của mình nên phần lớn thời gian Thỏa dành cho việc lênh đênh trên biển.

Sau khi trốn nã được 9 năm, thấy mình vẫn “bình an vô sự”, năm 1998, Thỏa kết hôn với chị Huỳnh Thị H. (SN 1978), một thiếu nữ người bản địa.

Có vợ con rồi nhưng Thỏa vẫn rất ít khi về nhà, nếu có về cũng chỉ về được 2 - 3 ngày rồi đi tiếp. Cuộc sống cứ tiếp diễn như thế suốt 10 năm sau đó, kể cả khi chị H. đã sinh ba mặt con.

Đầu năm 2008, khi Thỏa trở về từ một chuyến đi biển lâu ngày thì ban công an xã và một Công an huyện Xuyên Mộc đến để kiểm tra hộ khẩu của Lâm Trung Thành (tức Thỏa) và những người trong gia đình. Mấy ngày sau, Thỏa bán nhà, đưa vợ con về sống với bà ngoại ở xã Bưng Riềng, còn mình lại ở theo thuyền ra biển.

Thỉnh thoảng Thỏa mới mò về thăm vợ, nhưng cũng phải thật khuya, khi mọi người đã đi ngủ hẳn. Thời gian này, vợ Thỏa sinh đứa con thứ tư.

Thực sự cảm thấy... tự do!
Nhập mô tả cho ảnh
Thỏa tại trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình).

Thỏa kể, 25 năm “tự do” nhưng Thỏa chưa bao giờ cảm nhận được nó, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mình bị phát hiện. Những năm đó, Thỏa chưa một đêm tròn giấc, giấc ngủ đến với Thỏa lúc nào cũng chập chờn, đầy mộng mị.

“Trở về” với trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình) lần này, Thỏa đã không còn ý định trốn trại. Nhưng điều làm người tù này day dứt mãi vẫn là gia đình.

Thỏa kể, lúc bị công an đến bắt, không dám nhìn thẳng vào những cặp mắt ngơ ngác của vợ con. Và cho đến bây giờ vẫn vô cùng ân hận vì đã không nói ra sự thật để xin sự tha thứ từ gia đình.

Chuyện ấy chắc đã khiến vợ con tôi rất sốc, nhưng tôi tin, vợ con sẽ tha thứ và chờ đợi mình. Suy nghĩ ấy giúp tôi có thêm quyết tâm cải tạo thật tốt, đợi ngày đoàn viên”, Thỏa nói.

Trước đó, ngày 5/5/2012, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác lập chuyên án đấu tranh, truy bắt Thỏa. Nhờ những manh mối có được, cơ quan điều tra đã xác định được công dân Lâm Trung Thành chính là tội phạm trốn nã Đoàn Văn Thỏa.

Đến ngày 22/3/2014, anh này đã phải miễn cưỡng đến trụ sở Công an thị trấn Long Hải để làm việc. Sau một hồi quanh co, Thỏa đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình, sau đó được di lí về trại giam Đồng Sơn để tiếp tục thi hành án.

Gần 3 tháng trong trại giam, Thỏa đã bắt đầu quen dần với lối sinh hoạt, lao động nề nếp của trại giam, nhưng thỉnh thoảng, vẫn nhớ biển cả mênh mông và những con tàu lênh đênh đánh cá.

Điều đặc biệt, giờ ở trong trại giam, Thỏa mới cảm thấy tâm hồn mình tự do, cố gắng cải tạo thật tốt để về đoàn viên với gia đình. “Chắc chắn lần về này, tôi sẽ dành thời gian ở bên gia đình thật nhiều, để bù lại những năm tháng lầm lỗi mà mình đã gây ra trước đó”, Thỏa nói mà như đang cười.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm