Liên quan đến việc TAND Cấp cao tại TP.HCM tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 đã bác kháng nghị của VKS cùng cấp, cho bốn bị cáo được “đặc biệt khoan hồng” hưởng án treo mà VKS cho rằng đó là trái luật, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) đã có những phân tích về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc.
án treo là một biện pháp khoan hồng thay thế cho việc chấp hành hình phạt tù nhưng vẫn phải đảm bảo mục đích của hình phạt là phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng. do đó dù người phạm tội có nhân thân tốt, có thể tự cải tạo giáo dục nhưng không đáp ứng yêu cầu phòng ngừa chung thì cũng không áp dụng vì không thỏa mãn điều kiện “xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù” đã nêu trên.
TS Phan Anh Tuấn.
Chính vì vậy, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP đã quy định một số trường hợp không cho hưởng án treo tại Điều 3 như người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo; người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội,…
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân ở cả hai giai đoạn đều bị xử phạt (cùng mức án ba năm tù nhưng cho hưởng án treo) về một tội cố ý làm trái… theo Điều 165 BLHS năm 1999. Như vậy, giả sử không tách ra xét xử thành hai giai đoạn thì bị cáo Vân vẫn phạm tội nhiều lần về tội cố ý làm trái…
Đối với ba bị cáo còn lại (Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, cùng mức án ba năm tù treo) phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 BLHS năm 1999 (giai đoạn 1) và tội cố ý làm trái theo Điều 165 BLHS năm 1999 (giai đoạn 2). Như vậy, các bị cáo Đi, Thành, Vinh phạm hai tội khác nhau. Do đó, dù nhập vụ án lại và không tách ra xét xử thành hai giai đoạn thì các bị cáo đều thuộc trường hợp phạm nhiều tội…
Tóm lại, các bị cáo dù nhập hay tách vụ án để xét xử đều không thể cho hưởng án treo vì vi phạm điều kiện đảm bảo phòng ngừa chung khi áp dụng án treo (theo Điều 65 BLHS năm 2015 và Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP). Luật quy định như vậy vì như đã nói, nhân thân các bị cáo dù có tốt (như nhận định của HĐXX phúc thẩm) thì cũng chỉ là một trong những điều kiện để cho hưởng án treo chứ không phải là điều kiện duy nhất.
Cả bốn bị cáo đều đã có một bản án treo trước đó và các bản án này đều chưa hết thời gian thử thách của án treo. Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục cho các bị cáo một bản án treo nữa trong khi bản án treo thứ nhất vẫn còn thời gian thử thách. Vậy thì thi hành hai bản án treo này như thế nào? Luật thi hành án hình sự không quy định trường hợp này. Do đó, điều này cũng chỉ ra tính không hợp lý của việc cho hưởng án treo của tòa án cấp phúc thẩm.
Mặt khác, các bị cáo đều là đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái… theo khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999 do hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt 10-20 năm tù. Với mức án ba năm tù của các bị cáo là đã khoan hồng đối với các bị cáo bằng cách áp dụng quyết định hình phạt dưới mức thấp của khung hình phạt (Điều 54 BLHS năm 2015). Thiết nghĩ với loại tội đặc biệt nghiêm trọng thì việc cho hưởng án treo đối với các bị cáo cần xem xét thận trọng để đảm bảo phòng ngừa tội phạm và nhận được sự đồng tình của xã hội.