Nhiều khó khăn do chính sách thuế gây ra đã được các doanh nghiệp (DN) ngành hàng "vàng trắng" cao su nêu ra tại hội thảo "Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững" do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức ngày 8-11.
Một trong những vấn đề gây bức xúc với DN xuất khẩu cao su là chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) ảnh hưởng lớn đến tài chính của doanh nghiệp.
Số tiền chậm hoàn thuế lên tới hàng trăm tỉ
Mặc dù DN sẽ được hoàn lại VAT sau khi xuất khẩu nhưng thời gian chờ phải từ 4-9 tháng, có trường hợp còn lâu hơn, có DN còn tồn đọng thuế hoàn cả trăm tỉ đồng. Điều này gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế VAT.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Và Thương mại Hoa Sen Vàng cho biết, nhiều năm nay DN thuộc diện được hoàn thuế trước, kiểm tra sau trong việc hoàn thuế VAT.
Thế nhưng, từ tháng 10-2021 đến nay phải chờ được cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ thì mới được hoàn thuế. Từ tháng 10-2021, DN vẫn chưa được hoàn thuế với số tiền khoảng gần 100 tỉ đồng.
“Số tiền chưa được hoàn thuế rất lớn, trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng lên, khiến cho DN đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn”- đại diện công ty Hoa Sen Vàng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Thương mại Hoàng Dũng, từ năm 2021 đến nay, các công ty xuất khẩu cao su chưa được các cơ quan thuế giải quyết về thuế giá trị gia tăng.
Số tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn thuế của các doanh nghiệp, nhiều nhất lên tới 70 tỉ đồng. Doanh nghiệp ít thì cũng 20-30 tỉ đồng.
|
Ngành cao su kiến nghị đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế, xem xét áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất cho vườn cây cao su tái canh. |
Vướng mắc thuế thu nhập
Bên cạnh vướng mắc về thuế giá trị gia tăng, liên quan tới chính sách thuế, các DN cao su còn gặp vướng mắc về thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su.
Theo các quy định hiện nay, thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, thu nhập từ việc bán phế liệu phế phẩm liên quan đến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, được miễn thuế thu nhập. Thế nhưng thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su lại phải chịu mức thuế thu nhập hiện hành là 20%.
Lãnh đạo VRA cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như với các sản phẩm trồng trọt khác. Bởi vì cao su cũng là một nông sản như những mặt hàng nông sản khác. Tuy nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi khác được hưởng chính sách miễn thuế trong khi cây cao su lại phải chịu mức thuế cao.
Ngoài ra, các DN cũng đề nghị xem xét áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao su tái canh trong thời gian chưa có doanh thu, lợi nhuận.
Để thực hiện nghĩa vụ tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản của diện tích cao su tái canh chưa có nguồn thu, DN buộc phải vay vốn, càng gây thêm áp lực về tài chính.
Như vậy, việc nộp tiền thuê đất trong giai đoạn này làm tăng thêm chi phí đầu tư cũng như làm giảm tính cạnh tranh của cao su Việt Nam so với các nước khác.