Năm 1999, khi Nissan ở bên bờ vực phá sản phải bán 43% cổ phần cho Renault, ông Ghosn được hãng sản xuất ô tô của Pháp cử sang Nhật để giúp Nissan. Bằng cách cắt giảm tối đa chi phí để đầu tư cho việc phát triển những mẫu xe mới, Carlos Ghosn đã từng bước đưa hãng xe của Nhật Bản ra khỏi bờ vực phá sản.
Carlos Ghosn từng được coi là nhân vật huyền thoại trong ngành ô tô thế giới khi gây dựng liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi trở thành liên minh sản xuất ô tô lớn nhất hành tinh.
Thế nhưng giờ đây, khi Carlos Ghosn bị công tố viên Nhật bắt giữ một lần nữa với các cáo buộc gian lận tài chính, hơn 4.200 cổ đông của Nissan đã bỏ phiếu nhất trí loại bỏ ông, và xem đó như là động thái cần thiết nhằm phục hồi đế chế Nissan sau vụ tai tiếng này.
Cũng tại cuộc họp kéo dài khoảng 3 giờ tại một khách sạn ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, các cổ đông cũng đã nhất trí loại ông Greg Kelly, từng là cánh tay phải đắc lực của ông Ghosn, khỏi ban quản trị, đồng thời bổ nhiệm Chủ tịch Renault Jean-Dominique Senard thay thế vị trí của ông Ghosn trong hội đồng quản trị của Nissan.
Ông Ghosn vẫn một mực phủ nhận các cáo buộc. Tuy nhiên, nếu bị kết tội, ông Ghosn có thể phải nhận mức án lên đến 10 năm tù giam. Carlos Ghosn vốn được xem là sợi dây liên kết trong liên minh Renault, Nissan Motors và Mitsubishi Motors. Thế nên một khi ông "ngã ngựa", liên minh này sẽ không tránh khỏi lung lay.
Chính phủ Pháp hiện đang nắm giữ 15% cổ phần tại Renault, trong khi công ty này nắm giữ 43% cổ phần tại Nissan. Còn Nissan sở hữu 15% cổ phần không có quyền biểu quyết tại Renault và 34% cổ phần tại Mitsubishi.