Có được tại ngoại khi đang bị truy tố tội đặc biệt nghiêm trọng?

(PLO)- Bị hại lo ngại cho sự an toàn của mình bởi ông từng hai lần bị ông G tấn công gây thương tích trong hai vụ án hình sự mà ông G bị kết án trước đây.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, ông NKQ (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết ông là bị hại trong vụ án giết người, tuy nhiên bị can VVG (sinh năm 1948), người đã gây ra thương tích cho ông, vẫn đang được tại ngoại.

Ông lo ngại cho sự an toàn của mình bởi ông từng hai lần bị ông G tấn công gây thương tích trong hai vụ án hình sự mà ông G bị kết án trước đây.

Ba lần gây thương tích cho hàng xóm

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Khánh Hòa, chiều 5-6-2019, ông Q đến nhà con gái ở (gần nhà ông G) để trông coi nhà. Khoảng 17 giờ 30, ông G đi bộ sang gây sự. Hai người giằng co nhau từ trong sân ra đến cổng.

Lúc này, ông G chụp tay trái đang cầm kéo của ông Q, đẩy mạnh về phía ông Q. Ông Q bị kéo đâm nhiều nhát vào vùng cổ, trán, cằm, vai trái, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 17%.

Cáo trạng xác định hành vi của bị can G đã phạm vào tội giết người theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thuộc trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ; khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, bị can G còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm h, i khoản 1 Điều 52 BLHS (tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; phạm tội đối với người trên 70 tuổi).

Ông G từng ba lần bị kết án về tội cố ý gây thương tích. Trong đó, Bản án số 130/2021/HSPT của TAND tỉnh Khánh Hòa ông G vừa chấp hành xong hình phạt tù ngày 10-1-2023. Ba lần bị kết án gây thương tích này có hai lần ông G gây thương tích cho ông Q.

Ông Q khiếu nại việc bị can G được tại ngoại. Theo Thông báo trả lời số 106/TB-CSHS của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa thì cơ quan này chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can G là căn cứ vào Nghị quyết 01/2007 của TAND Tối cao: là người già yếu (trên 70 tuổi), đồng thời không có biểu hiện tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi trả thù.

Căn cứ tạm giam với người già phạm tội

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

…d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

Đối với bị can, bị cáo là người già yếu, người bị bệnh nặng… mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

…b) Tiếp tục phạm tội;

(Trích Điều 119 BLTTHS 2015)

Áp dụng biện pháp tạm giam mới hợp lý?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết căn cứ khoản 4 Điều 9 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Áp dụng trong vụ án này, bị can G đang bị truy tố tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS (khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình) là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo khoản 1 Điều 119 BLTTHS 2015 thì đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng thì hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp tạm giam.

Mặt khác, theo diễn biến của quá trình phạm tội thì thời điểm bị áp dụng biện pháp tạm giam năm 2019 trong vụ án thứ ba (Bản án số 130/2021/HSPT) thì lúc này ông G cũng đã trên 70 tuổi. Do vậy, trong vụ án giết người đang bị truy tố mới đây, cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn có cơ sở áp dụng biện pháp tạm giam.

Mặc dù bị can G là người trên 70 tuổi nhưng đây đã là vụ án thứ ba bị can này thực hiện hành vi phạm tội đối với ông Q. Qua mỗi vụ án, tính chất, mức độ phạm tội càng nghiêm trọng hơn. Do đó, không có gì để đảm bảo bị can này không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giam trong trường hợp này sẽ là hợp lý.

Bị hại có thể yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ

Trong vụ án này, cơ quan điều tra viện dẫn Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để cho rằng bị can VVG thuộc trường hợp người già yếu là không có căn cứ vì văn bản này đã hết hiệu lực theo Quyết định 355/QĐ-TANDTC của TAND Tối cao.

Hiện văn bản còn hiệu lực mà có quy định về “người đã quá già yếu” là Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng của thông tư liên tịch này là phạm nhân chứ không phải người bị buộc tội. Vì vậy, nếu áp dụng văn bản này để làm căn cứ không áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can G thì cũng chưa đảm bảo tính chặt chẽ.

Trong trường hợp này thì bị hại là ông Q hoặc người thân thích của ông Q có thể làm văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe theo quy định tại Điều 486, 487 BLTTHS.

ThS NGUYỄN PHƯƠNG THẢO, giảng viên khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm