Theo một bài viết trên tờ Washington Post:
Có 3 biến thể F-35, trong đó một biến thể được thiết kế để cất và hạ cánh trên tàu sân bay, một biến thể khác có thể hạ cánh thẳng đứng như trực thăng.
Tuy nhiên, để hiểu rõ chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử của Lầu Năm Góc, hãy tạm thời không xét đến chiếc máy bay mà nhìn vào chiếc mũ bay của phi công F-35.
Mũ bay dành cho phi công F-35
Tất nhiên, mũ bay được thiết kế để bảo vệ đầu của phi công. Nhưng so với những tính năng khác mà chiếc mũ này mang lại thì có vẻ như "bảo vệ" đã trở thành công dụng phụ.
Chiếc mũ bay gần 9 tỷ đồng
Mũ bay của phi công F-35 có thể nhìn xuyên thấu chiếc máy bay. Nói cách khác là nó giúp phi công nhìn xuyên qua chiếc máy bay.
Khi các phi công nhìn xuống, họ không thấy sàn máy bay mà thấy quang cảnh bên ngoài phía dưới họ.
Nếu phi công nhìn về phía sau lưng, họ sẽ thấy bầu trời phía sau mình.
Điều này đạt được là do thân máy bay được gắn 6 camera.
Khi người phi công xoay đầu nhìn sang một hướng nhất định thì trên thực tế họ đang nhìn qua một chiếc camera tương ứng trong số này.
Camera sẽ gửi hình ảnh tới các máy chiếu bên trong mũ phi công. Các máy chiếu sau đó sẽ chiếu hình ảnh của thế giới thực bên ngoài tới tấm kính trên chiếc mũ.
Điều đó khiến cho tấm kính này không còn đơn thuần là kính chắn gió thông thường mà trở thành một màn hình hiển thị thông tin.
Ngoài tốc độ và độ cao của chiếc máy bay, phi công F-35 có thể quan sát thấy vị trí của máy bay đối phương hoặc các hệ thống vũ khí trên mặt đất.
“Thông qua các “cặp mắt” của máy bay, bạn có thể nhìn thấy thế giới giống như cách thức máy bay quan sát toàn cảnh bên dưới” – Al Norman, một phi công thử nghiệm F-35 cho Lockheed Martin nói.
Tương tự như chiếc F-35, mũ bay dành cho phi công F-35 vô cùng đắt đỏ. Chi phí cho mỗi chiếc mũ này là hơn 400.000 USD (gần 9 tỷ đồng).
Chiếc mũ bảo hiểm giúp phi công F-35 nhìn thấy mọi thứ mà máy bay nhìn thấy
Các vấn đề
Trong khi chương trình F-35 đã chậm trễ nhiều năm so với kế hoạch và vượt quá hàng triệu USD so với ngân sách ban đầu thì chiếc mũ bay dành cho phi công F-35 cũng không tránh khỏi những vấn đề.
Các phiên bản ban đầu của chiếc mũ siêu hiện đại này không tránh khỏi nhược điểm.
Khi máy bay bị rơi vào vùng nhiễu động không khí, những hình ảnh trên màn hình mũ bảo hiểm cũng bị nhiễu loạn theo.
Ngoài ra, hình ảnh do camera cung cấp có độ trễ nhất định, khiến nhiều phi công bị say máy bay.
Công nghệ nhìn đêm cũng không hoạt động hiệu quả như kỳ vọng. Nó tạo ra một quầng sáng màu xanh cản trở tầm nhìn của phi công.
Những vấn đề này nghiêm trọng tới mức vào năm 2011, Lầu Năm Góc đã phải thuê hãng BAE System thiết kế một loại mũ bảo hiểm dự phòng để đề phòng trường hợp chiếc mũ đang phát triển không thể khắc phục được.
Hai năm sau, Lầu Năm Góc quyết định chọn mẫu mũ bay do Rockwell Collins phát triển, đồng thời cho biết rằng cuộc cạnh tranh giữa các hãng chế tạo đã giúp chương trình tiến triển trở lại và giải quyết các vấn đề.
Hiện các phi công Mỹ đã bắt đầu bay thử với mũ bảo hiểm phiên bản thứ 3 được tích hợp camera nhìn đêm mới và được câng cấp phần mềm.
Tuy nhiên, theo Trung tướng Chris Bogdan, giám đốc điều hành chương trình, vẫn có một số vấn đề với các phần mềm thu thập và chia sẻ thông tin giữa những chiếc F-35 bay theo đội hình.
Nếu chỉ có 1 chiếc F-35 hoặc 2 chiếc bay cùng nhau, các phi công có thể chia sẻ thông tin liền mạch. Nhưng khi có 4 chiếc F-35, các vấn đề liên lạc bắt đầu xuất hiện, chúng “có thể tạo ra các hình ảnh sai lạc cho phi công”.
Song, theo Bogdan, vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển giao hoặc tình trạng sẵn sàng hoạt động của chiếc mũ.
Chúng sẽ được khắc phục nhanh chóng nhưng với mức phí phụ trội đối với hãng Lockheed Martin dự kiến là 300 triệu USD.
Theo Norman, các chuyến bay thử nghiệm gần đây cho thấy chiếc mũ vẫn đang tiếp tục được cải tiến.
Nhiều lỗi trước đây đã được giải quyết nhưng vẫn còn vấn đề về quầng sáng màu xanh và cách thức các phi công quan sát những hình ảnh được chiếu trên kính mũ.
Theo Đại Lộ