Thị trường bất động sản (BĐS) những tháng cuối năm được hâm nóng khi các chủ đầu tư (CĐT) bung hàng với chiết khấu hấp dẫn. Cùng với đó là nhà đầu tư (NĐT) cá nhân cũng đang âm thầm xả hàng.
Xả hàng nhưng giá không giảm
Để kích cầu cuối năm, nhiều CĐT tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi để thu hút người mua. Nhân viên môi giới một sàn giao dịch phân phối một dự án căn hộ tại TP Thủ Đức cho biết đang có chương trình ưu đãi về thanh toán chưa từng có cho khách hàng: Chỉ cần thanh toán đợt đầu 15% và chỉ cần thanh toán 25% đến khi nhận nhà.
“Ngân hàng sẵn sàng cho vay 70% kèm chính sách ân hạn nợ gốc và ưu đãi lãi suất 0%/30 tháng” - nhân viên này thông tin.
|
Thời điểm cuối năm thường là thời gian săn bất động sản với nhiều ưu đãi tốt. |
Ông Vũ Nguyễn, Giám đốc Trung tâm giao dịch BĐS Căn Nhà Mới (TP.HCM), cho biết nhiều CĐT, các nhà phân phối dự án cũng đang áp dụng chương trình mua nhà đã bàn giao nhưng thanh toán theo tiến độ tương tự nhà ở hình thành trong tương lai, giúp người mua giảm áp lực trả tiền nhà dồn dập.
Dẫn chứng một dự án nhà phố tại TP.HCM, ông Nguyễn cho biết người mua chỉ cần thanh toán trước 15%, sau đó thanh toán theo tiến độ từ 2% mỗi tháng trong 18 tháng, hỗ trợ 100% lãi suất trong 18 tháng cho khách hàng. Ngoài ra, một số CĐT còn ưu đãi chiết khấu 3%-5% cho cổ đông hoặc khách hàng tại một số khu vực cũng như chiết khấu thêm cho khách hàng thân thiết, thậm chí miễn phí quản lý trong hai năm.
“Trong bối cảnh thanh khoản yếu vào cuối năm, các CĐT buộc phải chịu thiệt nếu lãi suất có thể biến động, cắt giảm lợi nhuận để tăng quyền lợi cho khách hàng. Họ phải giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi vay, tăng chiết khấu mới có thể giảm bớt áp lực dòng tiền cho khách hàng” - ông Nguyễn chia sẻ.
Không chỉ tại TP.HCM, nhiều dự án BĐS ở các tỉnh, thành lân cận, những khu vực xa từng sốt đất như Lâm Đồng cũng bắt đầu tìm cách xả hàng, tăng ưu đãi, chiết khấu cho NĐT.
Tại một dự án căn hộ ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, khách hàng mua căn hộ được hưởng hàng loạt chương trình ưu đãi cực lớn như chiết khấu 8% khi thanh toán sớm 70%, chiết khấu 4% khi thanh toán bằng vốn tự có, chiết khấu 1%-3% khi mua nhiều sản phẩm, chiết khấu lên đến 18% khi thanh toán vượt tiến độ.
Một công ty có dự án đất nền ở huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng với hơn 100 lô đất nền mở bán từ quý II-2022, đúng thời điểm thị trường chững lại nên phải tung chính sách chiết khấu 10% cho khách hàng.
Song song đó, các NĐT nhỏ lẻ cũng bắt đầu âm thầm thoát hàng trong những tháng cuối năm. Hai lý do NĐT buộc phải rao bán BĐS là do áp lực trả lãi vay ngân hàng, thứ hai là kế hoạch cơ cấu lại dòng tiền đầu tư.
Chào bán nhiều lô đất đầu tư vùng ven trên mạng xã hội nhưng các NĐT cho biết khá ít khách hàng hỏi mua. Cuối năm, thị trường đất nền các tỉnh vùng ven có dấu hiệu trầm lắng nhưng riêng giá chào bán vẫn không giảm.
Không phải bất động sản nào cũng giảm giá
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết báo cáo sơ bộ chín tháng đầu năm 2022 cho thấy có hơn 32.200 sản phẩm mới được chào bán, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021. Tỉ lệ hấp thụ các căn hộ giảm sút, chỉ ở mức gần 48%. Riêng trong quý III-2022, chỉ có khoảng 9.500 căn hộ được đưa ra thị trường, giảm 23% so với quý II-2022.
Theo ông Đính, cuối năm giá BĐS sẽ giảm nhưng ở nhóm được “thổi giá” trong giai đoạn gần đây, những BĐS đã bị đẩy giá ảo cao. Những BĐS khác đáp ứng nhu cầu thực rất khó giảm giá, đặc biệt là đất đai.
Cơ hội nhà đầu tư kinh nghiệm
TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia BĐS, cho biết hiện nay tình hình kinh tế vĩ mô và những biến động lớn trên thế giới tất nhiên có ảnh hưởng nhất định đến thị trường BĐS và nhiều kênh đầu tư khác.
Nền kinh tế nhiều nước trên thế giới đang gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Trước tình hình đó, các NĐT trở nên thận trọng hơn với các hình thức chi tiêu và khoản đầu tư lớn.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đà hồi phục tốt, kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong năm nay. Nhất là mới đây chính sách tín dụng cởi mở trở lại với BĐS, những kênh đầu tư khác gặp khó, tạo cơ hội cho không ít NĐT tiếp tục tin tưởng bỏ tiền vào BĐS để bảo toàn tài sản.
Dự báo thị trường cuối năm, ông Nhân nhận định dù các CĐT tung chương trình chiết khấu, ưu đãi thanh toán nhưng giao dịch không nhiều. Xu hướng giảm giá sẽ diễn ra cục bộ ở một số khu vực thanh khoản yếu hoặc ở một số NĐT đi vay ngân hàng phải giảm giá để thoát hàng.
“Thời điểm này là cơ hội săn được BĐS giá tốt, hợp lý cho những NĐT có năng lực về vốn và tầm nhìn dài dạn, thời cơ tích lũy BĐS thu về lợi nhuận trong tương lai” - TS Nhân đánh giá.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho biết vài tháng qua, thanh khoản tài sản trên thị trường thứ cấp (mua đi, bán lại) có dấu hiệu đi xuống. Mức giảm giá phổ biến trên dưới 10%, những nơi từng tăng nóng, sốt ảo đã giảm giá 20%. Đối với thị trường đã phát triển như TP.HCM đang phổ biến hiện tượng bán giá gốc, tức mất đi trung bình 5% chi phí cơ hội (tham chiếu mức lãi suất tiết kiệm).
Tại một số thị trường từng sốt ảo trước đây, đến nay đã mất thanh khoản hoàn toàn, giao dịch trầm lắng. Không có làn sóng giảm giá cuối năm mà chỉ dừng ở động thái âm thầm xả hàng, mức giảm giá thương lượng phổ biến trên thị trường thứ cấp khoảng 10%.