Khi mạng Internet, Facebook… là thứ không thể không có trong đời sống, công việc hằng ngày, mọi người không thể không e ngại về những trở ngại, rào cản. Đã vậy, trước đó có một số đại biểu QH, nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín trong và ngoài nước cùng phân tích, kiến nghị QH nên có những cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng về những điều chưa được của các bản dự thảo ban đầu. Sự không yên tâm của số đông xuất phát từ sự cộng dồn những lo lắng, băn khoăn như thế.
Vậy nên, từ những nội dung của bản dự thảo được thông qua, có lẽ cần phải minh định ngay điều này: Đã có nhiều ý kiến đóng góp hợp lý của nhiều người, nhiều nơi được Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu, đồng ý chỉnh lý cho hài hòa hơn giữa yêu cầu quản lý của Nhà nước với đòi hỏi chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Sự thay đổi vào giờ cuối của Điều 24 (về việc kiểm tra an ninh mạng), Điều 26 (bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng) - vốn gây nhiều bàn thảo, tranh luận - là đơn cử cho sự chịu lắng nghe của QH.
Theo đó, việc kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được quy định cụ thể hơn để tránh sự lạm dụng. Cụ thể, việc kiểm tra này được thực hiện khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc gây tổn hại nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội; hoặc khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin. Cùng với đó, thay vì đưa ra nhiều điều khoản luật khác nhau cho việc bị cấm cung cấp, đăng tải, chia sẻ và việc chế tài (như xóa bỏ, ngăn chặn; không hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng) gây rối mắt thì Điều 26 mới đã thống nhất các điều khoản để dễ thực hiện hơn. Rồi thay vì yêu cầu các doanh nghiệp phải thiết lập cơ chế xác thực thông tin người dùng thì điều luật mới đã chuyển trách nhiệm cho Bộ Công an, đồng thời quy định rõ việc cung cấp thông tin người dùng chỉ được đặt ra để lực lượng công an phục vụ điều tra, xử lý sai phạm...
Thêm một thông tin mà có thể nhiều người không để ý đó là có rất nhiều cấm đoán dành cho người dùng Internet, chơi Facebook không phải giờ mới có trong Luật An ninh mạng mà đã có trong nhiều văn bản hiện hành (như Luật Công nghệ thông tin, Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng…). Thế nên mới có ý kiến người chấp hành pháp luật nghiêm, biết góp ý, phản biện tích cực, có trách nhiệm khi sử dụng mạng thì đâu có gì phải sợ. Ngược lại, những ai sử dụng mạng với động cơ chính trị đi ngược với lợi ích đất nước hoặc để làm ăn trái phép hoặc để nói sai sự thật, xúc phạm người khác... mới phải bị giám sát, xử lý.
Phải đến ngày 1-1-2019 thì Luật An ninh mạng mới có hiệu lực. Mong là Chính phủ sẽ có những hướng dẫn chi tiết phù hợp theo yêu cầu của luật này để việc thực thi tới đây tạo thuận lợi cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc nhiều lĩnh vực trên không gian mạng và cho cả những người sử dụng mạng đúng đắn.