Cứ vào giai đoạn cuối năm, dư luận lại bắt đầu quan tâm về nguồn kiều hối. Bởi lẽ, lượng tiền từ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đổ về quê hương được xem là “đòn bẩy” quan trọng để nhiều bà con đón tết Nguyên đán ấm cúng, sung túc, đủ đầy hơn và nền kinh tế nói chung có thêm nguồn tiền lưu thông.
Ở tầm vĩ mô, kiều hối góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy các hoạt động mua sắm, chi tiêu; là động lực để đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước; đồng thời góp phần ổn định nguồn ngoại tệ trong nước. Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) được công bố trên báo chí cho ra dự báo lạc quan về kiều hối của Việt Nam (VN) năm 2022.
Theo đó, bất chấp đại dịch COVID-19 diễn ra hai năm liên tiếp, cùng với những bất ổn về xung đột - chiến tranh trên thế giới làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu, dòng kiều hối chảy từ các nước về VN vẫn khá ổn định. Tổng lượng kiều hối thậm chí được dự báo có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022.
Thế nhưng nếu nhìn tổng thể vào cộng đồng người VN ở nước ngoài thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một nguồn sức mạnh vượt trên cả kiều hối. Theo thống kê gần nhất vào cuối năm 2022 của Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), có khoảng 5,3 triệu người VN sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý là hơn 80% kiều bào tập trung ở các nước phát triển, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu khác.
Vì vậy, chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn so với nguồn kiều hối chục tỉ USD. Trước tiên là nguồn chất xám cực kỳ to lớn. Và sau đó còn là mạng lưới các mối quan hệ khổng lồ, có thể làm “nguồn dẫn” tri thức, nhân lực chất lượng cao, công nghệ và tài chính ở các nước về VN.
Cụ thể, người Việt có mặt tại nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, góp phần vào rất nhiều công trình nghiên cứu quan trọng, không chỉ ở tầm quốc gia sở tại mà còn rộng hơn thế. Trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới do Nhà xuất bản Elsevier (chủ cơ sở dữ liệu Scopus, cơ sở để đánh giá xếp loại thứ hạng) công bố cuối năm 2022 có tên nhiều nhà khoa học VN đang sống và làm việc tại một số nước trên thế giới. Người Việt cũng làm việc ở những công ty công nghệ khổng lồ hàng đầu, điển hình như Amazon, Google, Apple, Meta Platforms, đồng thời ở nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế liên chính phủ, phi chính phủ.
Việc VN đẩy mạnh hội nhập trong bối cảnh thế giới diễn ra hiện tượng toàn cầu hóa mạnh mẽ đã đưa đến một cơ hội lớn - “tuần hoàn chất xám”, tức dịch chuyển tri thức hướng về quê hương. Theo đó, nếu biết tích hợp cơ chế thu hút, chính sách đầu tư cùng với các phương tiện di chuyển, công cụ giao tiếp và truyền thông kỹ thuật số thì hiện tượng “chảy máu chất xám” vẫn có thể chuyển thành “tuần hoàn chấtxám”, tức tìm cách thôi thúc sự cống hiến, đóng góp của kiều bào hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn” bên cạnh việc sống, làm việc và cống hiến cho quê hương thứ hai của họ.
Lấy ví dụ, có thể đặt hàng các nhà khoa học gốc Việt ở các nước nghiên cứu, tư vấn để giải quyết một số bài toán cấp bách về kinh tế - xã hội; kêu gọi kiều bào tâm huyết mở các khóa học, trường học trực tuyến ở các nước dành cho học sinh, sinh viên tại VN; hoặc mời chuyên gia, giáo sư, nhà nghiên cứu đang làm việc ở các nước tham gia các chương trình dạy học trực tuyến cho các trường ĐH ở VN, giúp từng bước dịch chuyển lượng tri thức dồi dào, cấp tiến ở các nước về VN. Chúng ta cũng có thể tạo ra các diễn đàn kết nối doanh nghiệp VN với kiều bào, qua đó tiếp cận các đối tác công nghệ, đổi mới - sáng tạo, nhà đầu tư ở các nước.
Mỗi khi tết về, chúng ta lại mong mỏi dòng kiều hối nhiều hơn. Nhưng trong suốt một năm, chúng ta cần có giải pháp để thúc đẩy những nguồn lực to lớn, đúng hơn là khổng lồ, từ hàng triệu đồng bào ở khắp nơi trên thế giới.