Có quy định bất cập làm khó nhà kinh doanh từ năm 2017 đến nay vẫn chưa sửa đổi

(PLO)- Số doanh nghiệp rút lui cao gấp đôi số gia nhập thị trường trong tháng đầu năm đang đặt ra đòi hỏi phải mạnh tay bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không phù hợp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-2, Bộ KH&ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP, với slogan "cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”. Sự kiện này được tổ chức không chỉ để thực hiện quyết nghị của Chính phủ mới ban hành hôm 5-1, mà còn trong bối cảnh công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đang cản đường doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông liệt kê một loạt hạn chế ấy. Đó là các cấp chưa ưu tiên nguồn lực cho cải cách thủ tục hành chính. Thể chế kinh tế thị trường còn nhiều quy định chồng chéo, chưa phù hợp. Thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa. Khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân chưa được giải quyết dứt điểm.

doanh nghiệp
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết, nhiều thủ tục hành chính "chồng chéo" vẫn là rào cản. Ảnh: Minh Trúc

Nhiều thủ tục hành là chính

Từ góc nhìn doanh nghiệp, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn chỉ ra một số ví dụ cụ thể phản ánh những bất cập mang tính thể chế.

Đó là Nghị định 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng email trước mỗi chuyến đi. Doanh nghiệp làm dịch vụ hàng trăm chuyến mỗi ngày mà phải làm thủ tục như vậy thì chi phí tuân thủ rất lớn. Còn cơ quan quản lý cũng khó có thể quản lý khi mỗi ngày trên địa bàn mỗi tỉnh thành có hàng ngàn, hàng vạn dịch vụ vận chuyển được triển khai.

Một ví dụ khác nằm ở lĩnh vực quản lý thực phẩm, liên quan đến Nghị định 09/2016/NĐ-CP yêu cầu tăng cường i-ốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; yêu cầu bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.

“Doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm phản đối rất mạnh mẽ quy định này vì gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi”- ông Tuấn nói.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, bất cập về quy định tăng cường vi chất đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh từ năm 2017. Năm 2018, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I- ốt” và bãi bỏ quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng. Năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 618 sửa đổi Nghị định 09, nhưng đến nay cơ quan này vẫn chưa triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao.

Từ các ví dụ cụ thể trên, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa tính thực chất, hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh. Khắc phục tình trạng cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh kiểu hình thức, thiếu tính đột phá…

Đấy là chưa kể hiện tượng như ông Đậu Anh Tuấn mô tả: “Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới”.

Cải cách phải trở thành tập quán, văn hoá

Nhìn từ thực tế địa phương, TS Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng, các tỉnh, thành trên cả nước công bố các dự án mới liên tục, thì việc quan trọng là dành nhiều thời gian hơn nữa cho cải cách môi trường kinh doanh để các dự án sớm đi vào sản xuất, thu hút được dòng vốn mới.

Theo ông Bắc, sáng kiến cải cách kinh doanh gồm hai nhóm. Nhóm 1 là cải cách nền tảng, thể chế một cách dài hạn là nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương; nhóm 2 là khả năng thực thi mà đã được đo lường theo PCI nằm trong khả năng của địa phương.

Từ kinh nghiệm một số địa phương có những nỗ lực cải cách tốt như Đồng Tháp, Đà Nẵng, ông Bắc cho rằng cải cách phải trở thành tập quán, văn hóa thường ngày. Còn nếu chỉ “gồng lên để cải cách lấy điểm” sẽ sớm đi xuống.

“Muốn cải cách môi trường kinh doanh tốt phải làm được như Đồng Tháp, không căng cứng, gượng gạo. Cải cách trở thành tập quán, văn hóa… thì mới thành công” - chuyên gia cải cách của Bắc Ninh, một tỉnh trọng điểm phát triển công nghiệp phía Bắc nhận xét.

Quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Ngay tuần đầu tiên của năm mới, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chuyên đề "về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024", điều đó cho thấy quyết tâm của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trong việc tháo gỡ những vướng mắc đang cản trở sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Với ý nghĩa ấy, phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP. Từng bộ, ngành Trung ương cần xây dựng cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá, giám sát quá trình triển khai thực hiện để tạo áp lực chuyển động cải cách thực chất. Kịp thời nhận diện các vướng mắc để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý.

Với các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động, ông Đông đề nghị khẩn trương ban hành ngay, trong đó phải xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Các chương trình, kế hoạch hành động này phải gửi Bộ KH&ĐT và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm