Một lần sang Indonesia, vào công viên ở TP Bogor, tôi choáng ngợp khi thấy khung cảnh ở đây chẳng khác nào một cánh rừng nguyên sinh. Những công viên lớn ở TP.HCM, Hà Nội chỉ bằng một góc song công viên ở Bogor không có những thảm cỏ, mảng xanh được tỉa tót công phu như ở nước ta.
Có lần tôi thắc mắc hỏi ông Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, tại sao ta lại tỉa tót, chăm sóc các thảm cỏ, mảng xanh công phu theo quy trình chăm cây kiểng thì ông lắc đầu: “Tôi cũng không hiểu vì sao họ lại làm thế. Ở các nước, trong công viên hay trên đường phố, cây cỏ thường để tự nhiên, không cần phải tỉa tót như bên mình”.
Sau khi Hà Nội thông tin về số tiền cắt cỏ trên một tuyến đường đã hơn 53 tỉ đồng/năm, nhiều người thắc mắc các tỉnh, thành khác có chuyện này không.
Chưa nói đến chuyện có tiêu cực hay không, việc chi số tiền lớn cho việc cắt cỏ khiến người dân không khỏi băn khoăn.
Một giảng viên của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM chia sẻ với tôi, chị đã đến nhiều thành phố trên thế giới để nghiên cứu về cỏ nhưng chưa thấy nơi nào có nhiều thảm cỏ được trồng kỳ công như ở Việt Nam. Thường các nước chỉ trồng những loại cỏ không cần phải tưới nước và chăm sóc để giảm chi phí. Còn ở Việt Nam, những loại cỏ được trồng do phải thường xuyên được tưới, bón phân, tỉa tót nên chi phí rất cao.
Vì thế, một số người nghiên cứu về cỏ ví von rằng đây là cỏ quý tộc.
Ở khía cạnh về môi trường, cỏ nhìn đẹp mắt nhưng khả năng hấp thu khí Co2 thấp hơn cây xanh rất nhiều. Một số nhà nghiên cứu về cây xanh đô thị ở Việt Nam cũng từng bày tỏ thay vì tốn nhiều tiền của, công sức cho việc trồng cỏ, tạo mảng xanh dạng cây kiểng thì nên đầu tư mở rộng công viên và trồng thêm cây xanh có tán lá để góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường.
Gần đây, chúng ta thường nghe nhiều về cụm từ “sống xanh”. Nhiều thành phố bỏ ra số tiền lớn để tạo ra những mảng xanh. Song sống xanh không đơn giản chỉ là trồng cây, trồng cỏ mà là phải sống sao cho hài hòa với thiên nhiên theo ý nghĩa của cụm từ Ecological footprint (tạm dịch: Dấu chân sinh thái). Dấu chân sinh thái là khái niệm dùng để cân đo việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý hay không (nước là nguồn tài nguyên thường được nhiều quốc gia dùng làm thước đo). Với tiêu chí này, dù có tạo ra màu xanh nhưng nếu tiêu tốn quá nhiều tài nguyên cũng được xem là đi ngược xu hướng sống xanh hay còn gọi là “xanh ảo”.
Việc chăm sóc cỏ ở Hà Nội với chi phí mỗi năm hơn 700 tỉ đồng, nếu quy ra tài nguyên, quy ra nước sẽ là một con số khổng lồ. Quan trọng hơn, sự đóng góp ngược lại của nó cho môi trường lại không tương xứng. Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, việc sử dụng tiền thuế của người dân như thế có đáng không?