Có tiếp tục xét xử khi đối tượng khởi kiện ban đầu đã bị thay đổi?

(PLO)- Quyết định hành chính điều chỉnh quyết định bị kiện không phải là đối tượng khởi kiện nên việc tòa phúc thẩm bác yêu cầu của người khởi kiện là vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa xử phúc thẩm vụ án bà Nguyễn Thị Thơ kiện hành chính UBND TP Nha Trang do thu hồi thửa đất của bà theo diện vắng chủ.

đối tượng khởi kiện (2).JPG
Thửa đất của bà Nguyễn Thị Thơ bị thu hồi diện vắng chủ để thực hiện dự án khu nhà ở Phước Đồng. Ảnh: HH

Từ đất vắng chủ thành đất có chủ

HĐXX phúc thẩm nhận định trong quá trình thu hồi đất để thực hiện dự án khu nhà ở Phước Đồng, UBND TP Nha Trang thực hiện đầy đủ thủ tục thu hồi đất đối với thửa đất trên.

HĐXX phúc thẩm cho rằng do bà Thơ không thực hiện chỉnh lý trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), đăng ký kê khai nên cơ quan thẩm quyền chưa nắm được địa chỉ cụ thể khi thu hồi đất. Vì vậy, UBND TP Nha Trang ra quyết định thu hồi đất theo diện vắng chủ.

Sau phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa, ngày 8-7, UBND TP Nha Trang ban hành quyết định điều chỉnh đối tượng thu hồi đất trong Quyết định 1219 ngày 22-9-2019 (gọi tắt là Quyết định 1219) từ vắng chủ thành đất của bà Thơ.

“Như vậy, đối tượng khởi kiện đã được thay đổi và đảm bảo quyền lợi cho bà Nguyễn Thị Thơ” - bản án phúc thẩm nhận định.

Do đó, tòa phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng cáo của UBND TP Nha Trang, sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà Thơ về yêu cầu hủy Quyết định 1219.

Trước đó, xử sơ thẩm ngày 15-9-2023, TAND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thơ, tuyên hủy Quyết định 1219 của UBND TP Nha Trang về việc thu hồi đất của bà Thơ theo diện vắng chủ.

Theo hồ sơ, bà Thơ có thửa đất rộng hơn 4.000 m2 tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang bị thu hồi theo diện vắng chủ, giao UBND xã Phước Đồng để thực hiện dự án khu nhà ở Phước Đồng. Không đồng ý nên bà Thơ đi kiện.

Xử sơ thẩm ngày 15-9-2023, TAND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thơ, tuyên hủy Quyết định 1219 của UBND TP Nha Trang.

Theo tòa sơ thẩm, trong quá trình thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án khu nhà ở Phước Đồng, UBND TP Nha Trang đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Thơ.

Địa chỉ của bà Thơ ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và địa chỉ hiện nay là không thay đổi. Tuy nhiên, UBND TP Nha Trang không liên hệ, thông báo về việc thu hồi đất cho bà Thơ biết là vi phạm Luật Đất đai năm 2013.

Tính sao khi đối tượng khởi kiện ban đầu đã thay đổi?

Quyết định của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng gây tranh cãi về tính hợp pháp trong việc xác định không còn đối tượng khởi kiện.

Luật gia Lê Bá Đức, Công ty Luật TNHH Luật Hoàng và cộng sự, cho rằng thay đổi đối tượng khởi kiện là vấn đề pháp lý cốt lõi của vụ án. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định đối tượng khởi kiện trong một vụ án hành chính phải được xác định rõ ràng và cụ thể.

Luật gia Lê Bá Đức nhận định trong vụ án này, đối tượng khởi kiện ban đầu của bà Thơ là Quyết định 1219. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử những yêu cầu trong đơn khởi kiện và các yêu cầu bổ sung của đương sự.

Tuy nhiên, trong quá trình kháng cáo, UBND TP Nha Trang đã tự điều chỉnh quyết định này. Điều này đặt ra câu hỏi liệu tòa án cấp phúc thẩm có quyền tiếp tục xét xử khi đối tượng khởi kiện ban đầu đã bị thay đổi hay không.

Cùng với đó, theo Điều 220 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tòa án cấp phúc thẩm chỉ được xét xử trong phạm vi kháng cáo, kháng nghị. Đối tượng kháng cáo trong trường hợp này là Quyết định 1219 ban đầu.

Luật gia Lê Bá Đức cho rằng khi quyết định này đã được điều chỉnh trong quá trình kháng cáo, về nguyên tắc tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải xem xét Quyết định 1219 ban đầu. Bởi vì đối tượng khởi kiện và đối tượng kháng cáo ở đây là Quyết định 1219 ban đầu chứ không phải quyết định sau khi đã được sửa đổi.

“Việc tòa phúc thẩm xem xét quyết định sau khi đã được sửa đổi, bổ sung có thể dẫn đến việc giải quyết vụ việc vượt quá phạm vi khởi kiện và có thể không tuân thủ đúng quy định pháp luật” - Luật gia Lê Bá Đức nhận định.

Luật gia này cho rằng Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định rõ ràng về việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng.

Trong trường hợp này, khi đối tượng khởi kiện ban đầu bị thay đổi, việc tòa án cấp phúc thẩm tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Thơ mà không xem xét kỹ lưỡng tính hợp pháp của quyết định điều chỉnh mới có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Thơ.

“Quyết định của tòa án cấp phúc thẩm trong việc bác yêu cầu khởi kiện của bà Thơ khi đối tượng khởi kiện đã bị thay đổi có thể không phù hợp với quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Nói cách khác, việc sửa quyết định hành chính của UBND TP Nha Trang không làm thay đổi đối tượng khởi kiện” - Luật gia Lê Bá Đức nói.

Phải hỏi ý kiến người khởi kiện

Theo khoản 4 Điều 57 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì người bị kiện có các quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính bị khởi kiện. Như vậy, trong vụ án hành chính, UBND TP Nha Trang có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ Quyết định 1219 bị kiện. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn tố tụng cụ thể, khi người bị kiện hủy bỏ, sửa đổi quyết định hành chính bị kiện thì Tòa án sẽ có cách thức xử lý khác nhau.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, nếu người bị kiện hủy bỏ, sửa đổi quyết định hành chính bị kiện thì Tòa án phải hỏi ý kiến của người khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (nếu có). Trường hợp, cả người khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (nếu có) đều rút đơn khởi kiện và rút yêu cầu độc lập thì Tòa án cấp sơ thẩm sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.

Trường hợp người khởi kiện không đồng ý rút đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (nếu có) không rút yêu cầu độc lập thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án (Tinh thần tại Điều 10 Nghị quyết 02/2011 hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2010; điểm e khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính năm 2015)

Trong giai đoạn phúc thẩm vụ án hành chính, nếu người bị kiện sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính bị kiện thì Tòa án cấp phúc thẩm phải hỏi ý kiến của người khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (nếu có). Trường hợp người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; trong quyết định của bản án phải ghi rõ cam kết của đương sự để bảo đảm việc thi hành án hành chính (Khoản 1 Điều 235 Luật Tố tụng hành chính năm 2015)

Đối chiếu với cách giải quyết trong vụ án hành chính trên, phán quyết của tòa phúc thẩm là chưa chính xác, thiếu căn cứ pháp luật, gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của bà Thơ. Bởi lẽ, tòa phúc thẩm chưa hỏi ý kiến của bà Thơ mà đã bác yêu cầu khởi kiện của bà. Việc tòa phúc thẩm xem quyết định hành chính điều chỉnh Quyết định 1219 bị kiện là đối tượng khởi kiện cũng thiếu chính xác, vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm tại Điều 220 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

TS CAO VŨ MINH, Trưởng bộ môn Luật Hành chính - Nhà nước, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm