Trưởng cố vấn chiến lược Steve Bannon vừa được Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm là một người bị chỉ trích là có tư tưởng cực hữu, tôn sùng da trắng và phản đối nữ quyền. Nhiều chính trị gia, thành phần bảo thủ và cả thành phần cấp tiến đều bày tỏ lo ngại trước việc ông Steve Bannon được bổ nhiệm một trong hai chức vụ quan trọng nhất Nhà Trắng.
Người theo phong trào cực hữu
Ông Steve Bannon sinh năm 1959, ở bang Virginia, từng phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ, là cựu giám đốc ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và một nhà làm phim.
Trước khi trở thành giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử của ông Trump hồi tháng 8, ông là chủ tịch của tập đoàn truyền thông Breitbart News. Theo hãng CNN, tờ báo này có mối quan hệ chặt chẽ với phong trào “cánh hữu thay thế” (alt-right), có tư tưởng tôn sùng da trắng, bài xích người Do Thái, phân biệt chủng tộc và kỳ thị nữ quyền. Hồi tháng 7-2016, chính ông Bannon cũng thừa nhận Breitbart có quan điểm nền tảng của phong trào này.
Tờ Breitbart News, dưới sự điều hành của ông Bannon, thường xuyên có những bài báo mang quan điểm phân biệt chủng tộc, theo CNN. Trong một bài viết hồi tháng 5-2016, tờ báo này mô tả chuyên gia bảo thủ Bill Kristol, người thường xuyên chỉ trích ông Trump, là “tên Do Thái phản bội”. Tờ báo này cũng thường xuyên đưa tin rất dày đặc về các vụ án có người da đen tham gia. Năm ngoái, khi một phóng viên và một quay phim tại Virginia bị đồng nghiệp da đen bắn chết, Breitbart News đã mô tả sự việc là một cuộc “thanh trừng sắc tộc”. Theo The Guardian, trong một bài viết khác của Breibart, tờ báo này đã gọi nghị sĩ Dân chủ Gabby Giffords, người bị bắn vào đầu trong một vụ thảm sát cách đây năm năm, là “lá chắn sống của phong trào kiểm soát súng”.
Nữ quyền cũng là vấn đề mà tờ báo “cánh hữu” này tích cực chỉ trích, theo báo Independent. Tờ Breitbart News thường xuyên có những bài viết lên án phong trào nữ quyền. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng là đối tượng chỉ trích “quen thuộc” của tờ báo này. Trong vụ nhiều trẻ em phải thiệt mạng trong cuộc xả súng hàng loạt tại các trường học ở Mỹ, tờ báo này đã cáo buộc Tổng thống Obama là có những “giọt nước mắt phát xít giả tạo”. Tờ này cũng quyết không từ bỏ thuyết âm mưu cho rằng ông Obama là người Hồi giáo, có giấy khai sinh giả mạo quốc tịch Mỹ và được sinh ra ở bên ngoài nước Mỹ.
Suốt cuộc tranh cử của ông Trump, tờ báo đã tích cực đưa thông tin ủng hộ ông. Hãng CNN dẫn số liệu của ComScore cho thấy Breitbart News có hơn 17 triệu độc giả mỗi tháng với hàng loạt bài viết ủng hộ ông Trump cũng như công kích các đối thủ. Theo The Guardian, ông Bannon từng khuyến khích ông Trump chỉ trích bà Clinton là “một phần của âm mưu toàn cầu do nhóm tinh hoa về chính trị, tài chính và truyền thông xây dựng nên”. Thông điệp này được nhiều người cho là ngầm chỉ trích người Do Thái, vốn có sức ảnh hưởng rất lớn trong giới truyền thông và các hoạt động tại phố Wall. Tờ Los Angeles Times dẫn lời ông Thomas J. Main, giáo sư tại Trường ĐH Baruch, New York, cho rằng phong trào “cánh hữu thay thế” mà Breitbart News theo đuổi dưới sự điều hành của ông Bannon thực chất là: “Ủng hộ việc trục xuất hàng loạt người nhập cư, phản đối phong trào nữ quyền, sự đa dạng văn hóa, quyền đồng tính, toàn cầu hóa, kiểm soát súng và dân quyền”.
Ông Steve Bannon, trưởng cố vấn chiến lược của ông Donald Trump, bước ra khỏi thang máy tại cao ốc Trump Tower. Ảnh: GETTY
Ông Steve Bannon tham gia họp với ông Donald Trump, lên kế hoạch cho nhiệm kỳ mới. Ảnh: The New York Times
Chức vụ gây tranh cãi
Hôm 13-11, ông Trump bổ nhiệm ông Steve Bannon làm trưởng cố vấn chiến lược, bên cạnh chức vụ chánh văn phòng Nhà Trắng của ông Reince Priebus, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa. Đây là hai chức vụ quan trọng trong nội các của chính quyền mới. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ đưa tin quyết định này đã khiến nhiều người ngạc nhiên và phẫn nộ. Theo The Guardian, nhiều chính trị gia, cả phía bảo thủ lẫn cấp tiến đều bày tỏ lo ngại ông Trump đang “dự định đưa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài xích Do Thái tiến thẳng vào Nhà Trắng”.
“Bannon ở Nhà Trắng là một sai lầm lớn” - tờ Politico dẫn lời thượng nghị sĩ Patrick Leahy của bang Vermont khẳng định. “Thay vì đưa đất nước đoàn kết lại, họ lại đang dung túng cho sự bất khoan dung và lòng thù hận” - ông Leahy nói. Nhiều hội đoàn, các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số cũng đồng loạt kêu gọi tân tổng thống hủy bỏ quyết định bổ nhiệm trên. Những nhóm này cho rằng ông Bannon, người đi đầu trong việc thay đổi trang tin Breitbart News thành một diễn đàn “cánh hữu thay thế”, với tư tưởng phân biệt chủng tộc nặng nề, không thể đảm trách vị trí quan trọng trong chính phủ mới.
Việc bổ nhiệm ông Steve Bannon vào vị trí trưởng cố vấn chiến lược cũng đã khiến cho các thành viên của đảng Dân chủ phải lo lắng. Theo CNN, các chính trị gia đều cho rằng ông Bannon sẽ khiến cho tư tưởng phân biệt chủng tộc bị đẩy lên cấp cao nhất dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Hàng loạt chính khách nổi tiếng uy tín của phe Dân chủ như ông Bernie Sanders, ông Ron Wyden, ông Jeff Merkley đều bày tỏ quan ngại tư tưởng cực hữu thay thế của ông Bannon có thể ảnh hưởng đến quyết sách điều hành đất nước của ông Trump.
Một số nhân vật bảo thủ và nghị sĩ Cộng hòa phản đối ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng. Ông John Weaver, một cố vấn của đảng Cộng hòa, đã viết trên mạng xã hội rằng: “Tư tưởng phân biệt chủng tộc, cánh hữu cực đoan, chủ nghĩa phát xít đang đứng cách Phòng Bầu dục chỉ vài bước chân. Hãy cảnh giác, nước Mỹ”. Nhiều chính trị gia cũng đã đưa ra dự đoán về tương lai của nước Mỹ nếu như ông Bannon trở thành cố vấn chiến lược của chính quyền mới. Tờ Politico hôm 14-11 dẫn lời ông Pete Wehner, một quan chức kỳ cựu của Nhà Trắng từ thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét phong trào “Cực hữu thay thế từng là một tư tưởng chỉ nằm bên lề của nền chính trị Mỹ và nay nó đã trở thành dòng chính. Nhóm đó rất xấu và không nên được bước vào Nhà Trắng”. “Bannon sẽ mang nó đến rất gần trung tâm quyền lực của Nhà Trắng” - ông Wehner nói.
Ông Cory Booker, thượng nghị sĩ bang New Jersey, thì cho rằng nhiệm kỳ tổng thống sẽ trở thành “thảm họa” nếu như ông Trump vận hành chính phủ liên bang giống như cách từng vận hành chiến dịch tranh cử của mình. “Bannon sẽ không xây dựng một cây cầu nối các chia rẽ, ngược lại ông ta sẽ đốt cháy nó. Ông ấy không thích hợp để làm cố vấn chiến lược cho tổng thống. Donald Trump nên rút lại quyết định này và bổ nhiệm một người khác vì chính lợi ích của người dân Mỹ” - ông Booker cảnh báo.
Mãi im lặng, đảng Cộng hòa có kiểm soát nổi Trump? Nhiều ý kiến cho rằng ông Donald Trump sẽ không thể tự tung tự tác một khi trở thành tổng thống Mỹ. Ông sẽ chịu sự kiểm soát của các yếu tố khác trong hệ thống chính trị Mỹ, cũng như bị ràng buộc bởi đảng Cộng hòa mà ông đại diện. Thế nhưng trước quyết định nhân sự đầy tranh cãi lần này của ông Trump, phía đảng Cộng hòa hiện vẫn im lặng làm lơ, theo tờ New York Times. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình MSNBC, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, thành viên đảng Cộng hòa, lờ đi không nhận định về ông Steve Bannon. Ông nói rằng vì ông không biết gì về Bannon nên không có ý kiến gì phản đối. Lindsey Graham, thượng nghị sĩ bang Bắc Carolina, cũng đưa ra lời biện bạch tương tự khi trả lời tờ The Guardian: “Tôi không muốn cáo buộc một người tôi chưa từng gặp là bài xích người Do Thái hay phân biệt chủng tộc”. Còn thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio thì nói rằng ông “không có phản ứng gì” đối với lựa chọn của ông Trump, khẳng định vị tổng thống tân cử “có quyền chọn cố vấn của riêng ông”. Chia sẻ với kênh truyền hình CBS vào tuần trước, ông Donald Trump cho biết ông ưu tiên chọn lựa những người đã ủng hộ ông chứ không hẳn là những người dày dạn kinh nghiệm chính sách cho các vị trí trong nội các mới. |