Giới quan sát cho rằng, việc tìm kiếm hòa bình cho xung đột ở Ukraine ở thời điểm hiện tại là rất khó vì cả 2 bên vẫn giữ quan điểm, lập trường cứng rắn. Tuy nhiên, vẫn có một số giải pháp khả thi để thúc đẩy hai bên đàm phán và chấm dứt xung đột.
Hội nghị hòa bình lần 2…
Bên cạnh Hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ, có vẻ Nga và Ukraine đang tính toán tổ chức một hội nghị khác, với sự tham gia của cả hai bên và các bên liên quan.
Trả lời phỏng vấn hôm 11-6, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, chia sẻ rằng sau hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ, Kiev dự định tổ chức một hội nghị khác và mong muốn Nga tham gia để cùng tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua.
"Để chấm dứt xung đột tại Ukraine, chúng tôi cần một nền tảng vững chắc, phù hợp luật pháp quốc tế. Tại hội nghị lần 2, chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các bên, trong đó có những nước ủng hộ hòa bình cho Ukraine và các đối tác truyền thống của Kiev. Chúng tôi cũng đang cân nhắc mời Nga để cùng trình bày quan điểm và tìm giải pháp thực tế giải quyết xung đột" - ông Yermak nói.
Ông Yermak còn nhấn mạnh rằng hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ là cơ hội để Kiev lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động vì hòa bình của Ukraine, cũng như kêu gọi sự ủng hộ đối với “Công thức hòa bình 10 điểm” mà Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã công bố hồi tháng 10-2022.
“Nếu một kế hoạch được hơn 100 quốc gia từ mọi châu lục ủng hộ, thì đó sẽ là một kế hoạch hoàn hảo, không một ai có thể tranh cãi” - ông Yermak nói thêm.
Trong khi đó, hồi cuối tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow đang cân nhắc tổ chức một hội nghị quốc tế để giải quyết xung đột tại Ukraine.
Ông Lavrov không tiết lộ thông tin chi tiết về sự kiện, nhưng nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để giải quyết xung đột Ukraine là tổ chức một hội nghị hòa bình với sự tham gia của Moscow, Kiev và các bên trung gian uy tín. Tại hội nghị, Nga và Ukraine sẽ trình bày quan điểm của mình về cuộc xung đột, đảm bảo lợi ích chính đáng cho mỗi bên và thảo luận tất cả các sáng kiến hòa bình hiện có.
Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov trước đó cũng nhiều lần khẳng định rằng Moscow luôn sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột với Kiev. Tuy nhiên, các điều khoản đàm phán có thể sẽ khác với dự thảo hòa bình gồm 18 điều khoản mà Nga và Ukraine đã từng thảo luận trong giai đoạn đầu xung đột tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đài RT, cuối tháng 3-2022, Nga và Ukraine đã từng đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách chấm dứt xung đột, kết quả là họ đã soạn thảo một dự thảo hòa bình gồm 18 điều. Trong đó có một số điều khoản quan trọng như: Nga rút quân khỏi Ukraine, hai bên ngừng bắn; Ukraine cam kết đưa trạng thái ‘trung lập vĩnh viễn’ vào hiến pháp; Mỹ, Anh, Trung Quốc (TQ), Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus sẽ là những quốc gia đảm bảo các điều khoản trong thỏa thuận được thực thi,...
Cần một giải pháp khả thi
Theo tờ Foreign Policy, một trong những giải pháp khả thi thúc đẩy Nga và Ukraine sớm kết thúc xung đột là tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình Ukraine tại một quốc gia có quan hệ ngoại giao tốt với cả Moscow và Kiev, có sự tham dự đầy đủ của các bên liên quan.
Một quốc gia có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn và quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine có thể mang lại uy tín cho các cuộc đàm phán, cũng như tạo dựng lòng tin từ cả 2 phía, không khiến bên nào cảm thấy bị thiên vị hoặc bị đối xử bất công. Theo Foreign Policy, TQ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể giữ vai trò cầu nối hiệu quả vì 2 nước này đều có quan hệ kinh tế và chính trị khá tốt với cả Nga và Ukraine.
Kênh Al Jazeera dẫn lời ông Serhiy Kudelia - PGS khoa Khoa học Chính trị tại ĐH Baylor (Mỹ), cho rằng vẫn có một số yếu tố có có thể thúc đẩy Nga, Ukraine chịu ngồi vào bàn đàm phán.
"Trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp tục leo thang, đến một thời điểm nào đó khi 2 bên nhận thấy tình hình chiến trường ở thế bế tắc, tỉ lệ thương vong, thiệt hại của 2 bên đều cao, thì lúc đó Moscow, Kiev có thể sẽ chọn đàm phán, kết thúc xung đột" - ông Kudelia nói.
Giải thích cho nhận định của mình, ông Kudelia cho rằng khả năng chiến đấu của quân Ukraine từ lâu đã phụ thuộc vào các gói viện trợ từ phương Tây. Tuy nhiên, các nước phương Tây lại đang tiến gần tới giới hạn năng lực sản xuất vũ khí, thậm chí bắt đầu lo ngại về việc cạn kiệt kho dự trữ vũ khí.
Trong khi đó, nền kinh tế Nga, đang chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây, khó có thể trụ vững lâu dài để hỗ trợ cho xung đột tại Ukraine. Do đó, đến một lúc nào đó, khi cả hai bên đều kiệt sức, họ sẽ phải tính đến việc đàm phán.
"Nếu hai bên cùng tiết chế các mục tiêu và kỳ vọng của mình đối với đối phương, và chuyển sang các mục tiêu vừa phải để có thể đưa ra những điều khoản hợp lý, dễ thỏa hiệp thì không gian đàm phán có thể diễn ra thuận lợi hơn, nhưng điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là 2 bên phải dần thay đổi quan điểm của mình" - ông Kudelia nói.