Con gái GS. Ngô Bảo Châu góp ý về một kỳ thi chung

Ngô Thanh Hiên cho biết, khi học phổ thông tại trường Laboratory của ĐH Chicago (Mỹ), em phải học 6-7 môn nhưng theo kiểu cuốn chiếu, mỗi năm học và thi kết thúc một vài môn, không qua được môn nào thì học lại môn đó. Khác với Việt Nam là 3 năm cấp ba đều học và thi 11 môn, trượt một môn sẽ tuột lớp và học lại tất cả các môn khác.

Với hầu hết trường THPT tại Mỹ, học sinh đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp khi đạt được một số điểm nhất định. Trường của Thanh Hiên yêu cầu học sinh phải hoàn thành một số tín chỉ của các môn: Toán, Khoa học, Văn, Lịch sử, Ngoại ngữ, Nghệ thuật, Thể thao và một số môn tự chọn. Điểm trung bình của các môn này (GPA) sẽ được dùng làm một trong 3 yếu tố (gồm bài luận, điểm số kỳ thi chuẩn hoá quốc tế SAT hoặc ACT) để xét vào đại học. Học sinh có thể đăng ký bao nhiêu trường đại học tuỳ ý. Mỗi trường sẽ có một đề tài luận yêu cầu học sinh làm. 

ngo-thanh-hien1-2859-1408166655.jpg

Ngô Thanh Hiên, con gái GS Ngô Bảo Châu hiện học tại ĐH Chicago, Mỹ chia sẻ, thời phổ thông chỉ phải học 6-7 môn theo kiểu cuốn chiếu. Ảnh: NVCC.

Con gái GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ, giáo dục Mỹ rất coi trọng kiến thức cơ bản. Họ luôn có sự đánh giá giúp học sinh có nền tảng các môn học chung một cách vững chắc trước khi vào đại học. Các bài thi ở hệ phổ thông vì thế một phần là để tìm ra mặt yếu kiến thức của người học và một phần để họ cố gắng cải thiện trong thời gian học. Các điều kiện, bài thi để vào được đại học là góp phần định hướng tương lai học sinh muốn làm công việc gì.

Theo Thanh Hiên, việc kết hợp 2 kỳ thi tốt nghiệp, ĐH làm một như đề xuất của Bộ GD&ĐT Việt Nam có thể đem lại cơ hội phát triển tốt cho nền giáo dục nước nhà, làm giáo viên thay đổi chương trình dạy. Tuy nhiên, nữ sinh này cũng cho rằng, Bộ nên xem xét kỹ lưỡng các phương án để xây dựng được một kỳ thi đánh giá được chính xác trình độ học sinh. Sự vội vàng thay đổi có thể tạo nên những kết quả không mong muốn hoặc thất bại nặng nề.

Trong ba phương án thi, Thanh Hiên phân tích phương án 2 và 3 (thi theo đề tổng hợp) gây dàn trải kiến thức. Em ví dụ, riêng môn Toán đã có các nội dung như: số học, hình học mặt phẳng, hình học không gian… mà ở Mỹ, mỗi nội dung ấy được học trong một năm. Như vậy, gộp tất cả 8-11 môn vào 4-5 bài thi sẽ khiến học sinh không biết ôn tập vào nội dung nào.

Ở phương án một, Thanh Hiên nhận thấy, nó chưa thể hiện được thế mạnh và sự tiến bộ của học sinh. Ví dụ, một số bạn giỏi các môn tự nhiên hơn môn xã hội nhưng phải thi cả 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và chỉ được chọn một môn thì có thể chưa đánh giá được khả năng của người đó. "Thi đại học nên để học sinh hướng đến những môn thế mạnh của họ nhưng em chưa thấy điều đó ở phương án thứ nhất", Hiên nói.

Ngô Thanh Hiên cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT Việt Nam tổ chức kỳ thi quốc gia chung chỉ để phản ánh học sinh được học những gì thì ngoài các môn chính cần thi như: Toán, Văn, Lịch sử, Khoa học nên bổ sung: Nghệ thuật, Ngoại ngữ, Thể thao… để học sinh lựa chọn môn yêu thích. Những môn thi bổ sung này sẽ giúp ích rất nhiều khi thí sinh nộp hồ sơ vào đại học. Bởi lẽ, để vào trường ĐH, ngoài thể hiện kiến thức cơ bản, học sinh cần chứng minh được kiến thức chuyên sâu ở lĩnh vực nào đó, thông qua các bài thi chuyên môn có độ khó cao.

Thanh Hiên hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bố về việc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải ĐH để đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực, tránh tiêu cực.

Con gái GS Ngô Bảo Châu đề xuấtnên coi trọng môn học Lịch sử vì "nó giúp chúng ta hiểu biết về bản chất con người". Tuy nhiên, cần thay đổi cách dạy và học môn học này ở Việt Nam để học sinh thay vì sợ hãi, chán nản như hiện này sẽ hứng thú tìm tòi, nghiên cứu.

Ở Mỹ, Lịch sử là một môn học bắt buộc. Song, môn học này được dạy theo cách: giáo viên dạy những sự kiện chung, kiến thức nền tảng,sau đó học sinh tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra các câu hỏi và viết một bài nghiên cứu sâu cho cuối năm để nộp lại cho giáo viên chấm điểm.

Theo Quỳnh Trang (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm