“Tôi từng gặp một học sinh lớp 9 từng có ý định tự tử, lý do khiến em nghĩ đến hành động dại dột trên xuất phát từ việc ba mẹ ly hôn. Tôi hỏi em: “Tại sao ba mẹ ly hôn con lại nghĩ đến chuyện tự tử". Em trả lời ly hôn đồng nghĩa với việc con sẽ phải đưa ra quyết định theo cha hay theo mẹ trong khi con muốn có cả hai. Nhưng ba mẹ làm khó con, bắt con phải chọn lựa nên khi con chết đi, hai người mới thấy được thế nào là nỗi đau của sự mất mát”, bà Ngọc Bích kể lại.
Đây là một trong những câu chuyện được ThS Nguyễn Thị Ngọc Bích, giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường học năm học 2019-2020 vừa diễn ra tại TP.HCM.
“Gần đây tôi lại bắt gặp một học sinh trường THPT tại TP có thói rất thích ăn cắp vặt. Nhà em giàu có, không thiếu thứ gì vì ba mẹ có địa vị, nhưng em lại có tật đó. Trò chuyện với em tôi mới được biết ba mẹ chỉ lo kinh tế, không bao giờ quan tâm đến con, cho nên chỉ khi em ăn cắp và bị nhà trường phát hiện, mời phụ huynh vào trò chuyện thì khi đó em mới có thể biết được mẹ vẫn còn quan tâm đến mình”, bà Ngọc Bích nói.
ThS Nguyễn Thị Ngọc Bích, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ thông tin tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Theo Ngọc Bích, những câu chuyện trên đã chứng minh gia đình, đặc biệt là tình yêu thương của ba mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình phát triển về thể chất cũng như tâm sinh lý của trẻ.
Khi trong gia đình xuất hiện bạo lực hay ba mẹ ly hôn, đứa trẻ sẽ thiếu vắng sự yêu thương, thiếu sự hỗ trợ tích cực. Từ đó trẻ sẽ gặp khó khăn về tâm lý, dễ dàng trở thành một đứa trẻ đường phố, quậy phá, bỏ nhà và nghiện game...
“Tôi từng đọc một nghiên cứu của Mỹ thực hiện trên 1.000 đứa trẻ từ 0-18 tuổi, kết quả nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được sống trong môi trường yêu thương, đầy đủ từ gia đình thì đứa trẻ đó tự nhiên sẽ yêu thương bạn bè, thầy cô. Ngược lại một đứa trẻ sinh ra thiếu vắng sự yêu thương của cha mẹ, gia đình ly hôn thì những đứa trẻ đó đều khó khăn về mặt tâm lý và tình cảm”, chị Ngọc Bích khẳng định.
Ngoài gia đình, khi đến trường trẻ cũng phải chịu nhiều áp lực từ bài vở, từ sự kỳ vọng của bố mẹ trong khi năng lực có hạn khiến các em cảm thấy căng thẳng, bức bối. Một chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Thủ Đức thừa nhận hiện nay trẻ đang phải chịu áp lực quá nhiều, học quá nhiều nhưng các hoạt động vui chơi, phát triển thể chất, kỹ năng lại không có.
“Muốn giải quyết từ gốc rễ sự căng thẳng của trẻ cần sự chung tay và phối hợp của rất nhiều ban ngành. Trước hết cần phải giảm bớt bài vở để việc học đối với trẻ nhẹ nhàng hơn, để các em thật sự cảm thấy vui khi đến trường”, vị này nhấn mạnh.
ThS Ngọc Bích cho biết thêm, sự căng thẳng thường thúc đẩy trẻ tìm đến bạo lực để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Để ngăn ngừa nó xảy ra, thay vì la mắng, xử phạt, giáo viên và phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đặt mình vào vị trí của các em để thấu hiểu, từ đó đưa ra biện pháp phù hợp.
“Một đứa trẻ hạnh phúc khi người lớn hạnh phúc. Do đó thầy cô muốn học trò vui vẻ thì trước hết hãy học cách làm cho mình vui, vì khi giáo viên vui sẽ truyền thái độ tích cực đến học trò và các em sẽ tiếp thu bài tốt hơn. Một thầy cô hạnh phúc, nhiều học sinh sẽ dễ dàng thành công”, ThS Ngọc Bích nhấn mạnh.