Công an Đồng Tháp nói về việc công ty tài chính đòi nợ kiểu 'xã hội đen'

(PLO)- Theo Giám đốc Công an Đồng Tháp, bên cạnh việc các băng nhóm trong và ngoài tỉnh cho vay lãi nặng thì tín dụng đen còn hoạt động núp bóng các công ty tài chính.

Ngày 14-7, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X khai mạc kỳ họp thứ 4. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động của HĐND trong sáu tháng đầu năm, UBND tỉnh giải trình gần 30 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc các lĩnh vực.

Các đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề như đảm bảo mức sống cho người có công, xử lý các vụ việc dân sự tồn đọng kéo dài, việc đòi nợ kiểu “xã hội đen”.

ĐB Lê Thị Huyền Phong chất vấn về tình trạng Công ty tài chính đòi nợ kiểu “xã hội đen. Ảnh: HD

Ngânhàng không quản lý được

Đại biểu (ĐB) Lê Thị Huyền Phong nêu tình trạng người dân không vay nợ ngân hàng nhưng bị gọi điện thoại đe dọa, khủng bố nhiều lần, bất kể giờ giấc. Thậm chí bên đòi nợ còn gọi điện đến đồng nghiệp, cơ quan quản lý cấp trên của người không vay để thông tin sai lệch làm mất uy tín, gây áp lực để người không vay tác động người vay trả nợ.

"Chính tôi cũng rơi vào trường hợp này" - ĐB Huyền Phong nói và đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước, công an tỉnh có phương án nào nhằm xử lý triệt để kiểu đòi nợ này cũng như đưa ra khuyến cáo gì cho người dân.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Chi nhánh NHNN Việt Nam tỉnh Đồng Tháp Vương Trí Phong cho biết hiện chi nhánh NHNN không quản lý được hoạt động cho vay của công ty tài chính.

Theo ông Phong, hoạt động của công ty tài chính là đặt các điểm giới thiệu cho vay tiêu dùng tại các đại lý bán sản phẩm, người phụ trách tại đó hướng dẫn vay còn thủ tục cho vay đều nằm tại Hội sở. Đây cũng là cơ hội để tín dụng đen chen vào.

Hiện chi nhánh Ngân hàng không có được danh sách người vay nên rất khó. Khi có phản ánh thì phía chi nhánh Ngân hàng phải liên hệ với công ty ở TP.HCM kiểm tra lại. "Người dân nếu gặp trường hợp bị đòi nợ như vậy thì gọi trực tiếp đến đường dây nóng 027.7387.1800 hoặc trực tiếp tôi để phản ánh” - ông Phong nói.

Ông Phong cũng thông tin hiện trên địa bàn tỉnh có 10 công ty tài chính với khoảng hàng ngàn điểm giới thiệu vay chưa quản lý được. Ngoài ra, có tình trạng các công ty tài chính lách luật bằng việc thuê người nước ngoài làm tổng giám đốc nên xử lý rất khó.

Tín dụng đen núp bóng công ty tài chính

Trong khi đó Đại tá Nguyễn Văn Hiểu - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ tháng 4-2022 đến nay hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh đang phức tạp trở lại.

Đại tá Nguyễn Văn Hiểu, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp trả lời chất vấn.

Theo ông Hiểu, qua rà soát công an phát hiện có ba loại hình cho vay tín dụng đen trên địa bàn.

Thứ nhất là loại hình cho vay của các công ty tài chính, tuy lãi suất không cao nhưng hoạt động rất phức tạp, sử dụng điện thoại để khủng bố. Trong sáu tháng đầu năm lực lượng công an đã tiếp nhận 47 vụ việc liên quan đến vay nợ từ công ty tài chính nhưng chưa giải quyết được vụ nào.

Nguyên nhân do đa số các công ty tài chính không nằm ở Đồng Tháp, người vay thông qua người quen giới thiệu hoặc thông tin tờ rơi, điện thoại… Người vay chỉ cần cung cấp CMND, số hộ khẩu, tài khoản ngân hàng là vay được và đặc biệt phải cho ba số điện thoại của người quen.

Nếu người vay không trả nợ họ sẽ gọi vào các số điện thoại này, thậm chí truy thêm số điện thoại của những người liên quan họ nhằm buộc con nợ phải trả.

Hơn nữa các công ty tài chính cho vay nhưng không trực tiếp đòi nợ mà thuê công ty khác. Các tài khoản cũng là ảo nên không truy ra được chủ tài khoản... Hiện công an đã phối hợp nhà mạng đóng 60 sim số điện thoại và tiếp tục điều tra xử lý.

Thứ hai là các trường hợp người ngoài tỉnh đến hoạt động cho vay nặng lãi. Tuy nhiên việc thu thập chứng cứ rất khó vì các hoạt động chủ yếu trên điện thoại. Đối với các vụ công an triệt phá được thì thấy mức lãi suất cho vay gấp 12 lần lãi của ngân hàng, tương đương 700%/năm.

Nhóm người cho vay lãi nặng vừa bị Công an Công an TP Sa Đéc bắt giữ. Ảnh: CAĐT

Thứ ba là các băng nhóm cho vay tại địa phương. Điển hình là công an mới đây đã triệt phá băng nhóm 10 người do Giang "Đầu Rồng" cầm đầu.

Bên cạnh đó công an cũng phối hợp tuyên truyền cho người dân nhận biết đâu là tín dụng đen, phối hợp cơ quan chức năng để quản lý tốt việc mua bán sim điện thoại.

“Phải làm sao để quản lý tốt các công ty tài chính. Trước đây công ty tài chính ra đời nhằm "đánh" tín dụng đen nhưng thực tế hoạt động cũng là cho vay tín dụng đen” - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới