Mới đây, việc Công an phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân đã tạm giữ hai thanh niên vì không xuất trình được CMND đã gây sự chú ý của dư luận. Vấn đề đặt ra là trường hợp nào công an được quyền kiểm tra hành chính, tạm giữ người dân…?
Ba trường hợp bị kiểm tra hành chính phổ biến
Theo một trưởng công an phường trên địa bàn TP.HCM, trong chức năng quản lý địa bàn, cảnh sát khu vực (CSKV) được quyền kiểm tra hành chính trên địa bàn được phân công phụ trách theo quy định của điều lệnh CSKV và các thông tư có liên quan của Bộ Công an quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Công an quận 12, TP.HCM kiểm tra hành chính những người lưu trú tại bến xe ngã tư Ga, quận 12. Ảnh: LÊ THOA
Đồng thời, khi thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì công an nhân dân có thẩm quyền quản lý và kiểm tra hành chính trên địa bàn họ quản lý. Như vậy, trong trách nhiệm quản lý địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự thì CSKV (hay công an phường), có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân và kiểm tra các nội dung khác theo quy định.
Chẳng hạn, công an không quản lý ngành nghề kinh doanh nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ có thể phát hiện vấn đề vi phạm ở lĩnh vực này thì được quyền lập biên bản. Tuy nhiên, về thẩm quyền xử phạt thì công an phải đề xuất qua một địa chỉ có thẩm quyền như lãnh đạo UBND phường.
Vị trưởng công an phường cho biết những người vi phạm hành chính bị tạm giữ trong các trường hợp: Giữ người không có giấy tờ tùy thân và có dấu hiệu nghi vấn để xác minh nhân thân, lai lịch của người đó; giữ người để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra như đánh nhau…
Những trường hợp này, công an có quyền quyết định tạm giữ trong 24 giờ đồng hồ để xác minh, thẩm tra lai lịch, làm các hồ sơ liên quan, để ra quyết định xử lý hành chính đối với người đó.
Phân tích kỹ hơn về các trường hợp công an được quyền kiểm tra hành chính, vị trưởng công an phường cho biết có ba trường hợp phổ biến.
- Một là trong quá trình đi tuần tra, nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu nghi vấn, công an có thể yêu cầu đối tượng này dừng lại, xuất trình giấy tờ kiểm tra.
- Hai là kiểm tra công tác lưu trú, đăng ký tạm trú, hộ khẩu thường trú tại nhà trọ, khách sạn, nhà dân…, CSKV có quyền vào nhà dân kiểm tra vấn đề này. Qua đó, nếu CSKV phát hiện những người vi phạm pháp luật hoặc người lạ có dấu hiệu nghi vấn, thì có quyền yêu cầu họ xuất trình giấy tờ và có quyền thẩm tra xác minh những người đó.
- Ba là công an có thể kiểm tra hành chính tại các cơ sở kinh doanh nhạy cảm như karaoke, massage…, theo kế hoạch được Ban chỉ huy công an quận phê duyệt. “Việc kiểm tra này là việc làm thường xuyên của CSKV" - vị này khẳng định.
Có dấu hiệu nghi vấn mới bị tạm giữ?
Trước thắc mắc người dân có thể thay thế CMND bằng một giấy tờ khác, để trình công an khi kiểm tra không, vị trưởng công an phường ở TP.HCM cho biết là có thể thay thế bằng giấy tờ khác có ảnh để xác định được đúng là người đó.
“Việc xuất trình giấy tờ khác vì mất CMND thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự thì trường hợp người dân đủ 14 tuổi trở lên không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền, sẽ bị phạt” - vị này nói thêm.
Theo vị này, việc không xuất trình được CMND chắc chắn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn việc có tạm giữ để thẩm tra, xác minh nhân thân hay không thì phụ thuộc vào người này có dấu hiệu nghi vấn hay không.
“Nếu có nghi vấn mới tạm giữ người, không nhất thiết trường hợp nào cũng tạm giữ người. Dĩ nhiên, người dân bị tạm giữ lúc nào cũng muốn thể hiện là bản thân hoàn toàn không có vấn đề gì. Nhưng cơ quan công an có biện pháp nghiệp vụ, có nguồn tin, để xác định rằng người đó có dấu hiệu, vấn đề, cần thẩm tra xác minh…
Vụ giữ người ở Bình Tân: Công an kiểm tra là có nguyên nhân
Về việc Công an phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân kiểm tra hành chính và tạm giữ người, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, khẳng định: “Việc công an phường đi kiểm tra hành chính đối với nhóm người trên là hoàn toàn có nguyên nhân chính đáng”.
Theo ông Thiện, vào lúc 11 giờ 13 phút ngày 5-9, khi bà Quách Lan Phương (41 tuổi) đang ở tại nhà số 52, đường 5B, khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, thì ông Trần Quang Sáu (42 tuổi, tạm trú tại 81C đường 5B, phường Bình Hưng Hòa A) cùng với hai nam thanh niên (chưa rõ lai lịch) đến trước cửa nhà chửi tục và có lời nói xúc phạm bà Phương, sau đó ra về. Nguyên nhân là do ông Sáu thường xuyên đỗ xe tải lên vỉa hè nhà bà Phương nhưng không được bà Phương đồng ý, dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn.
Đến 16 giờ 20 cùng ngày, ông Sáu cùng với khoảng sáu người (chưa rõ lai lịch) tiếp tục đến nhà bà Phương đập cửa và chửi bới. Bà Phương đã gọi điện thoại báo cho công an phường.
Lúc sau, lực lượng công an đến hiện trường, mời ông Trần Quang Sáu cùng hai thanh niên là Nguyễn Hữu Quyên (30 tuổi, ngụ Thanh Hóa) và Đặng Quang Vinh (33 tuổi, ngụ Đồng Nai) về trụ sở công an phường làm việc.
Tại cơ quan công an, ông Sáu khai nhận có qua nhà bà Phương nói chuyện nhưng không có lời lẽ xúc phạm hay đe dọa. Riêng Quyên và Vinh khai nhận sang nhà ông Sáu xem bóng đá. Do Quyên và Vinh không xuất trình được giấy tờ tùy thân nên công an phường tạm giữ hành chính để chờ xác minh thông tin về nhân thân, lai lịch.
Qua xác minh, Quyên và Vinh chưa có tiền án, tiền sự, không sử dụng trái phép chất ma túy. Nhưng do bị thất lạc CMND nên công an phường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hai thanh niên về hành vi “không xuất trình CMND khi kiểm tra”.