Vụ cảnh sát khu vực (CSKV) đòi kiểm tra căn hộ của hai cô gái ở quận Đống Đa, Hà Nội vào đêm khuya đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ vụ việc này đặt ra câu hỏi: Khi nào CSKV được quyền kiểm tra chỗ ở của công dân, hình thức kiểm tra thế nào, thành phần đi kiểm tra gồm những ai…
CSKV đi cùng bảo vệ dân phố
Luật sư (LS) Trần Hải Đức (Đoàn LS TP.HCM) và LS Cao Minh Triết (Đoàn LS tỉnh Tiền Giang) phân tích, theo quy định của Luật Cư trú thì việc đăng ký thường trú và tạm trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trách nhiệm của mọi công dân. Nghị định 31/2014 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú) và Thông tư 35/2014 của Bộ Công an quy định công an xã, phường, thị trấn có thẩm quyền kiểm tra việc cư trú của công dân.
Cụ thể, khoản 1 Điều 26 Thông tư 35/2014 quy định: Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Khoản 4 điều này quy định về thẩm quyền: Công an được giao quản lý cư trú tại địa bàn (tức CSKV) có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.
Trong đó, công an được quyền huy động lực lượng bảo vệ dân phố đi cùng để kiểm tra mà không cần phải có người khác như tổ trưởng hay khu phố trưởng làm chứng. Điều này được quy định tại các điểm 3.1, 3.2. Mục III và điểm 2.2 Mục VI Thông tư liên tịch 02/2007 của Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính (hướng dẫn thực hiện Nghị định 38/2006 về bảo vệ dân phố).
Trung úy Nguyễn Văn Bắc, Công an phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, đòi kiểm tra nhà dân. (Ảnh cắt từ clip)
Đột xuất không có nghĩa là nửa đêm
Theo LS Triết, quy định cho phép kiểm tra đột xuất nhưng không có nghĩa là vào lúc nửa đêm, ngoài giờ hành chính, trừ khi công an phường phối hợp trong việc truy xét tội phạm. Bởi hiểu theo cách thông thường, kiểm tra định kỳ là trong giờ hành chính, có thông báo trước, đúng ngày giờ thì đến kiểm tra, còn đột xuất cũng là kiểm tra nhưng chỉ không thông báo trước.
“Luật không quy định về giờ kiểm tra đột xuất nhưng cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép. Như vậy, nếu cần kiểm tra đột xuất thì khi cử người đi công an phải có giấy tờ nêu rõ lý do vì sao phải thực hiện việc này. Khi đó, người kiểm tra mới đủ tư cách và căn cứ để kiểm tra đột xuất” - LS Triết nhận xét.
Nếu người bị kiểm tra không hợp tác thì sao? LS Đức cho rằng lúc đó công an có quyền lập biên bản ghi nhận sự việc trước sự chứng kiến của bảo vệ dân phố đi cùng. Trên cơ sở biên bản này, công an có thể mời chủ nhà ra phường làm việc, quá trình xác minh nếu thấy chủ nhà có vi phạm về cư trú thì có quyền đề xuất trưởng công an phường ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013.
“Đặc biệt, khi kiểm tra hành chính, công an không thể coi người dân như tội phạm, không được phép quát nạt, lớn tiếng, hống hách mà phải giữ tác phong chuẩn mực, đúng đắn. Việc đôi co, lớn tiếng dọa nạt hoặc có những hành vi như nhổ nước bọt vào dân, đập phá cửa… đều sai. Bởi như thế là vi phạm đạo đức người công an nhân dân” - LS Đức nhấn mạnh.
Đang bị lạm dụng
Đến thời điểm này, Điều 26 Thông tư 35/2014 là văn bản hướng dẫn chi tiết nhất đối với việc kiểm tra cư trú. Nhưng thông tư chỉ mới quy định được thẩm quyền, hình thức, nội dung và đối tượng kiểm tra, còn cách thức, quy trình, thủ tục kiểm tra thì chưa.
Theo TS Nguyễn Duy Hưng - Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Thủ Dầu Một, điều này dễ dẫn đến việc lạm dụng trong khi thi hành công vụ. TS Hưng nói: “Đồng ý là anh có quyền kiểm tra đột xuất nhưng nửa đêm anh yêu cầu vào nhà mà không có giấy tờ gì chứng minh là công an quản lý địa bàn thì ai đảm bảo anh đang thi hành công vụ. Đó là chưa kể nhiều người dân cả đời không quan tâm và không biết ông công an khu vực là ai…”.
Khoản 3 Thông tư 35 về nội dung kiểm tra cư trú cũng chỉ quy định chung chung là: Kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú. Như vậy, ngoài kiểm tra về cư trú thì các nội dung khác mà công an phường có quyền kiểm tra là nội dung gì, nếu không rõ sẽ dẫn đến lạm quyền, lợi dụng tư cách để phiền nhiễu.
Cạnh đó, việc kiểm tra theo cách thức nào cũng chưa được thông tư hướng dẫn rõ: CSKV chỉ cần đứng ngoài cửa hỏi hay phải vào nhà, lục lọi các phòng ngủ để đếm số người kiểm tra? Theo TS Hưng, để tránh trường hợp mạo danh, lạm dụng việc xâm phạm chỗ ở khi thực hiện việc kiểm tra cư trú thì Bộ Công an cần bổ sung và làm rõ quy định tại Điều 26 Thông tư 35/2014. Rất nhiều trường hợp hiện nay công an xã, phường đang lạm dụng việc kiểm tra cư trú để gây khó dễ cho người dân. Nếu không cụ thể thì tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.
Sau 23 giờ, CSKV phải đi cùng tổ trưởng dân phố Việc kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Do đó, công an có quyền kiểm tra bất cứ lúc nào. Khoản 1 Điều 26 Thông tư 35/2014 của Bộ Công an có quy định rõ việc này. Trên thực tế, trước 23 giờ việc kiểm tra hành chính diễn ra thường xuyên nhưng sau 23 giờ sẽ kiểm tra theo kế hoạch của phường. Khi kiểm tra, CSKV không thể đi một mình mà phải đi cùng tổ trưởng dân phố hay ban điều hành khu phố. Đây là những người có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với người dân. Sau khi tiến hành kiểm tra (sau 23 giờ), dù có hay không phát hiện được tội phạm, người đang bị truy nã… thì cũng phải lập biên bản ghi rõ ngày giờ kiểm tra, nội dung kiểm tra và kết quả thu nhận được. Ngoài Thông tư 35/2014, ngày 10-2-2015, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 09/2015 quy định điều lệnh CSKV. Thông tư 09/2015 đề ra năm nguyên tắc mang tính định hướng, chỉ đạo quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CSKV. Trong đó, nguyên tắc thứ năm nói rõ: “Nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân trái quy định của pháp luật”. Một lãnh đạo công an quận ở TP.HCM NGUYỄN TRÀ ghi Muốn khám nhà phải có lệnh Như đã thông tin, khuya 7-4, Trung úy Nguyễn Văn Bắc, Công an phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, đến một căn hộ chung cư ở tòa nhà Hà Thành Plaza yêu cầu kiểm tra chỗ ở nhưng chủ nhà không mở cửa. Có lúc ông Bắc yêu cầu kiểm tra hành chính, có lúc lại nói nghi ngờ trong nhà có người trốn lệnh truy nã. Nếu CSKV kiểm tra hành chính thì phải theo thủ tục như đã nói trong bài, còn nếu khám xét nhà thì CSKV không có thẩm quyền. Bởi theo luật, bất luận trong trường hợp nào, công an cấp phường cũng không được khám xét nhà dân mà chỉ có trách nhiệm trình báo lên công an cấp trên. Theo Điều 140, 141 và 143 BLTTHS hiện hành thì công an muốn thực hiện việc khám nhà phải có lệnh của thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT các cấp (phải được VKS phê chuẩn)… Thủ tục khám và điều kiện nào mới được khám nhà cũng được bộ luật này quy định rõ. LS BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn LS TP.HCM |