Công an TP.HCM giải đáp về việc làm căn cước công dân

Vừa qua, báoPháp Luật TP.HCM đã có đăng bài “Thẻ căn cước công dân: Phải đổi theo ba độ tuổi sau đây”. Ngay khi bài viết được đăng tải, báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được rất nhiều câu hỏi được bạn đọc hỏi liên quan đến thủ tục làm thẻ căn cước công dân (CCCD).

Nay báo Pháp Luật TP.HCM gửi đến bạn đọc các giải đáp của Thượng tá Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) - Công an TP.HCM, về các câu hỏi này.

Chuyển từ CMND sang CCCD, thủ tục ra sao?

. Tôi nay đã 60 tuổi, hiện ở Bình Thuận, có CMND còn thời hạn. Cho hỏi tôi có thuộc diện đổi CCCD không? - Bạn đọc Trần Hữu Nhân và nhiều bạn đọc ở các tỉnh, thành khác có thắc mắc tương tự.

+ Thượng tá Huỳnh Văn Hùng: Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 05/1999 (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định 170/2007 và Nghị định số 106/2013) thì CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ  ngày cấp.

Tại Điều 38 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: CMND đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn quy định, khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD.

Như vậy, CMND của công dân còn thời hạn vẫn còn giá trị sử dụng đến hết thời hạn và không bắt buộc phải đổi sang thẻ CCCD.

Đến thời điểm hiện tại có 16 tỉnh, thành phố được triển khai cấp thẻ CCCD, đó là: Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ.

Do hiện nay tỉnh Bình Thuận chưa được Bộ Công an triển khai cấp CCCD cho nên công dân có hộ khẩu thường trú ở Bình Thuận nếu có đủ điều kiện, nhu cầu thì được cấp, đổi, cấp lại CMND chứ chưa được cấp CCCD.

Người dân đến thực hiện thủ tục cấp CCCD tại Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an TP.HCM. Ảnh: TP

Hộ khẩu tỉnh, có được làm CCCD tại TP.HCM?

. Tôi có hộ khẩu thường trú tại Hà Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Tôi muốn đổi giấy CMND sang thẻ CCCD thì phải về quê làm hay làm tại TP.HCM? - Bạn đọc Đặng Văn Liên và nhiều bạn đọc khác có thắc mắc tương tự.

+ Điều 26 Luật CCCD 2014 quy định công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD:

- Cơ quan quản lý CCCD của Bộ Công an;

- Cơ quan quản lý CCCD của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Cơ quan quản lý CCCD của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

- Cơ quan quản lý CCCD có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ CCCD tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Quy định này tạo thuận lợi cho công dân đến cơ quan quản lý CCCD nơi gần nhất để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD mà không nhất thiết phải trở về nơi thường trú để thực hiện.

Tuy nhiên, do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD chưa đi vào vận hành nên theo phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại CCCD (Thông tư số  07/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an) thì Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an TP.HCM được tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ CCCD khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Nơi đây cũng  cấp lại thẻ CCCD khi mất thẻ đối với công dân có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Như vậy, trường hợp công dân có hộ khẩu thường trú ở Hà Nam nhưng muốn làm thủ tục cấp đổi từ CMND sang CCCD phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm CCCD vì không thuộc diện đổi, cấp lại thẻ CCCD tại TP.HCM.

Các trường hợp miễn, không nộp lệ phí cấp CCCD

Theo Điều 5 Thông tư 256/2016 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 331/2016 về các trường hợp miễn lệ phí cấp CCCD:

- Đổi thẻ CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;

- Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

- Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

Mặt khác, cũng theo quy định trên, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD không phải nộp phí. Nhà nước cũng không thu phí cấp, đổi thẻ đối với người đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Mức phí khi công dân làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ CCCD: Phí đổi thẻ là 50.000 đồng/thẻ và phí cấp lại là 70.000 đồng/thẻ. 

_____________________________

(Còn tiếp: Có được giữ nguyên số CCCD sau khi cấp đổi?..).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm