Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường Quốc gia tầm nhìn đến 2050

(PLO)- Sáng ngày 15-11, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch bảo vệ môi trường).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết Quy hoạch bảo vệ môi trường được Thủ tướng phê duyệt ngày 8-7-2024 với nguyên tắc xuyên suốt là “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các – bon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Quy hoạch bảo vệ môi trường cũng nhằm bảo đảm tính mở và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường nhằm hạn chế tác động với môi trường và sức khoẻ con người.

“Với các quan điểm đó, Quy hoạch bảo vệ môi trường xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân” – Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành.

Cùng với đó, Quy hoạch bảo vệ môi trường cũng định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các – bon thấp, hài hoà với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho hay Quy hoạch bảo vệ môi trường cũng chỉ rõ cần tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững.

Quy hoạch bảo vệ môi trường cũng đưa ra các giải pháp thực hiện trong đó bao gồm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật và đầu tư tài chính cho bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

“Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch bảo vệ môi trường thì cần thiết có sự chủ động, quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng và mỗi người dân”, ông Thành nhấn mạnh và mong trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, sự chủ động, tích cực tham gia của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân…

Bộ TN&MT cho biết đang lấy ý dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, trong tập trung vào một số nội dung chính gồm:

Về phân vùng môi trường: thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật trên cơ sở hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường trong kỳ quy hoạch.

Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Thực hiện kế hoạch và lộ trình đối với định hướng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được nêu tại Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về các khu xử lý chất thải tập trung: Thực hiện kế hoạch và lộ trình hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế, xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại…

Về quan trắc và cảnh báo môi trường: Thực hiện kế hoạch và lộ trình triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh được nêu trong Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về tổ chức thực hiện, dự thảo Kế hoạch đã nêu trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nội dung triển khai Quy hoạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới