Cộng đồng mạng tự xử người cha tát con, được không?

Vụ việc một nhóm đông thanh niên kéo đến khu nhà trọ của anh ĐVT để đòi lại công bằng cho đứa con trai bị anh tát tím mặt cách đây hai năm đã gây nên nhiều tranh cãi lớn cho cộng đồng. Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng hành động dùng vũ lực của đám đông để giải quyết vấn đề bạo hành trẻ em là không phù hợp và đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Trao đổi cùng PV PLO, một "hiệp sĩ" đường phố (xin được giấu tên) trong CLB Phòng chống tội phạm tại tỉnh Bình Dương nhận định: “Đám đông thanh niên kéo đến phòng trọ người cha tát con để đòi lại công lý cho đứa trẻ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi đã tự ý xâm nhập nơi ở và có hành vi sử dụng vũ lực trái phép”.

Cũng theo "hiệp sĩ" này, trước những vụ việc bất bình đăng tải trên các trang thông tin thì cộng đồng nên tự trấn tĩnh và tìm hiểu kỹ càng nguyên nhân vụ việc. Không nên vội vàng ra tay hiệp nghĩa để rồi đưa bản thân mình vào tình trạng vi phạm pháp luật.

Hình ảnh anh T. đánh con cách đây hai năm (ảnh trái) và thương tích của anh T. do nhóm thanh niên gây ra mới đây (ảnh phải). (Ảnh cắt từ clip)

 

“Tự ý sử dụng vũ lực để trừng phạt những hành vi xấu là lấy cái sai lớn để bào chữa cái sai nhỏ, đây là suy nghĩ rất lệch lạc trong hành động hiệp nghĩa”, vị "hiệp sĩ" nói.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, dù rằng anh T. có lỗi khi đánh con của mình gây bức xúc cho cộng đồng nhưng người dân không nên vì thế mà hành xử trái pháp luật. Với hành vi xâm hại sức khỏe người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì nhóm thanh niên có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đến 3 triệu đồng về hành vi xâm hại đến sức khỏe người khác theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013.      

Bên cạnh đó, trong vụ việc này nhóm thanh niên đã có các hành vi đập cửa, xông vào phòng trọ của anh T. túm lấy anh, đây chính là hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Theo điều luật này, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

- Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

- Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

- Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

- Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Cũng theo luật sư Tuấn, đám đông còn có hành vi tát mặt anh T. và thực tế sau các cú tát, gương mặt anh T. đã có những thương tích nhất định.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần kịp thời đưa anh T. đi giám định thương tật để xác định tỉ lệ thương tổn cơ thể và có căn cứ khởi tố nhóm đối tượng tự ý đánh người về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tùy theo mức độ thương tích của nạn nhân, người phạm tội có thể bị áp dụng khung hình phạt cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Trước đó, sáng 17-10, trên tài khoản Facebook tên LQT (ngụ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đăng tải clip dài hơn 2 phút ghi lại anh T. ngồi trên võng dùng tay tát tới tấp vào mặt đứa bé khoảng ba tuổi, được cho là con trai của anh. Sự việc đánh con này đã diễn ra từ hai năm trước.

Ngay khi đoạn clip được đăng tải đã nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt bình luận thể hiện sự phẫn nộ trước hành vi bạo lực của người thanh niên này. Thậm chí nhiều tài khoản cá nhân kêu gọi tìm kiếm người này để đòi công bằng cho bé trai.

Chiều cùng ngày, một đoạn clip khác được đăng tải ghi lại hình ảnh nhóm đông thanh niên kéo đến khu nhà trọ để anh T. Đám đông đã xông vào nhà bắt và tát vào mặt anh T. như anh đã tát con trai mình cách đây hai năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm