Cứ mỗi giờ, Việt Nam có hai người bị chết vì bệnh lao

Tại hội thảo tập huấn báo chí truyền thông phòng, chống lao diễn ra từ ngày 27-28/11 tại Bình Định, ông Sỹ nhấn mạnh công tác phòng chống lao hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề phát hiện bệnh nhân mới, việc điều trị và tình trạng bệnh nhân kháng thuốc phòng chống lao…

Trong đó, yêu cầu mới và kiểm soát bệnh lao là thay đổi từ ngăn chặn tiến tới thanh toán bệnh lao bằng cách phát hiện sớm và nhiều nhất số bệnh nhân lao trong công động, duy trì tỷ lệ điều trị khỏi cao cho tất cả các bệnh nhân lao được phát hiện.

Theo thống kê của Hội lao và bệnh phổi, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có số bệnh nhân cao nhất trên thế giới và đứng thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh nhân lao đa kháng cao.

Đặc biệt, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 18.000 người tử vong do lao.

Đánh giá về công tác phòng chống lao, ông Sỹ cho hay, những năm qua, Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới phòng chống lao từ Trung ương xuống địa phương. Các kỹ thuật tiên tiến nhất đã được cập nhật tại Việt Nam về chuẩn đoán, điều trị và dự phòng; huy động được các nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống lao.

Trong Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, giảm số người bị mắc bệnh lao, chết do lao và giảm sự lây nhiễm bệnh lao để hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh lao dưới 20/100.000 người dân vào năm 2030.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Sỹ cũng nhận định rằng công tác phòng chống lao vẫn gặp nhiều thách thức như: Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao. Lao đa kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp do sự gia tăng của y tế tư nhân thực hành điều trị chưa đạt chuẩn, diện bao phủ dịch vụ kiểm soát lao kháng thuốc còn thấp; thiếu nguồn nhân lực cho công tác chống lao trong trại giam.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống lao ở vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt công tác chống lao gặp thách thức lớn về nguồn nhân lực và tài chính do sự giảm nhanh nguồn viện trợ quốc tế trong những năm tới…

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia y tế, các nhà báo nhấn mạnh cần tăng cường công tác truyền thông để người dân và toàn xã hội nhận thức đúng về thực trạng, căn nguyên và mức độ nguy hiểm của bệnh lao. Thông qua công tác truyền thông đó, mỗi người dân tự ý thức phòng chống căn bệnh này và huy động được tốt hơn nguồn lực xã hội tham gia vào phòng chống lao.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Chương trình phòng, chống lao quốc gia (Bộ Y tế) và Tổ chức PATH - một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam tổ chức./.

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới