Sáng 21-11, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri đại diện các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn TP.HCM.
Tại đây, cử tri đã nêu ý kiến về các tồn đọng, hạn chế như công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số cơ sở tôn giáo còn chậm; một số cá nhân lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền lợi của công dân, trong đó có công dân các tôn giáo.
Toàn cảnh buổi tiếp xúc. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cử tri cũng cho thông tin một số hiện tượng xã hội hiện nay mà TP cần quan tâm kiểm soát chặt chẽ hơn như cho vay nặng lãi, thông tin độc hại tràn lan trên không gian mạng và hành vi dán bậy ở các công trình công cộng.
“Người ta đã khổ, cho vay lãi nặng đẩy người dân vào tình thế khổ hơn...”- cử tri Thích Minh Thành nói.
Chủ tịch HĐND TP.HCM trao đổi với cử tri tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN |
Trả lời ý kiến cử tri, Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Trần Văn Bảy cho biết, liên quan cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo, từ năm 2005 đến nay, sở đã tham mưu và cấp cho 782 trường hợp, đang thụ lý 119 hồ sơ.
Trong số đó, Sở đã trình UBND TP.HCM 30 hồ sơ, Văn phòng UBND TP.HCM đang rà soát, trình lãnh đạo UBND TP. Với 89 hồ sơ còn lại Sở đang thẩm định.
Về các ý kiến phản ánh việc giải quyết hồ sơ còn chậm, ông Bảy thẳng thắn nhìn nhận Sở TN&MT cũng có trách nhiệm trong việc này.
Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Trần Văn Bảy thông tin về việc cấp giấy chứng nhận sử quyền dụng đất. Ảnh: THANH TUYỀN |
Theo ông Bảy, để cấp được giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo, thì trình tự thủ tục, sự phối hợp của các cơ quan cũng khá nhiêu khê. Trong chuỗi quy trình đó có trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có sở TN-MT, dù có sốt ruột muốn đẩy nhanh, nhưng vẫn còn chậm.
Một trong số nguyên nhân được Phó giám đốc Sở TN&MT đưa ra là do sự phản hồi của một số quận, huyện còn chậm, phải nhắc nhiều lần mới gửi danh sách dù Sở đã ban hành kế hoạch gửi quận huyện để thống kê, rà soát, gửi về để Sở tổng hợp.
Sở cũng hướng dẫn về thành phần hồ sơ, nhưng thực tế hồ sơ rất phức tạp. Những trường hợp dễ đã cấp hết rồi, còn lại là những trường hợp kéo dài, nhiều nội dung cần làm rõ nên chậm tiến độ. Việc thẩm định, kiểm duyệt thành phần hồ sơ cũng còn chậm trễ. Đặc biệt là cần thẩm định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của địa phương, việc này không đơn giản.
Ông Trần Văn Bảy cho biết, với những hồ sơ đủ điều kiện sẽ sớm trình để UBND TP.HCM quyết định cấp giấy chứng nhận.
Với những hồ sơ mới, sở sẽ phân công một nhóm công chức, tạm gọi là chuyên trách, tạo đầu mối chung để hướng dẫn chuyên môn cụ thể ngay từ đầu, để cơ sở tôn giáo làm một lần là xong. Sở sẽ công khai đầu mối này để quận huyện và cơ sở tôn giáo chủ động liên hệ trực tiếp, nếu có khó khăn Sở sẽ chủ động làm việc trực tiếp.
Ông đồng thời đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo, chấn chỉnh về trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành để giải quyết thủ tục nhanh hơn…
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ trao đổi với cử tri. Ảnh: THANH TUYỀN |
Trao đổi với các cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận, sau một thời gian dài chống dịch COVID-19, tình hình kinh tế- xã hội TP dần hồi phục, có nhiều điểm khởi sắc. Sự hồi phục đó không thể thiếu sự đóng góp của cộng đồng, đồng bào dân tộc, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP.
Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể quên hình ảnh các tu sĩ, tăng ni, phật tử sẵn sàng lao vào tâm dịch tại TP.HCM. Những tình cảm, nghĩa cử đó thành phố luôn ghi nhận, tri ân và không thể quên”.
Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng bày tỏ sự trân trọng trước những góp ý thẳng thắn, chân tình của gần 70 vị cử tri.
Bà chia sẻ, những ý kiến này sẽ được HĐND TP cùng các cấp chính quyền ghi nhận, tiếp thu và làm cơ sở để thực hiện các quyết sách trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
Liên quan đến phản ánh về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà cử tri nêu, bà Lệ đề nghị Sở TN-MT nên có một buổi tập huấn trực tiếp với quận, huyện, cơ sở tôn giáo để hướng dẫn rõ quy trình, mẫu hóa hồ sơ chứ không chỉ chờ các cơ sở chủ động liên hệ; bởi có những trường hợp kéo dài 5-10 năm vẫn còn ách tắc.
Bà Nguyễn Thị Lệ nói thêm, nhiều năm qua, TP.HCM đã có nhiều chủ trương chính sách cho đồng bào dân tộc, nhưng thực tiễn luôn biến động và phát triển từng ngày. Vì vậy, các ban, ngành cần rà soát, nắm lại các chủ trương chính sách của trung ương, TP.HCM, để trình HĐND những chính sách phù hợp, kịp thời.