Chiều 26-4, trong buổi tiếp xúc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với hơn 400 cử tri các quận 1, 3, 4, nhiều bà con bày tỏ ý kiến vụ việc người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) bắt giữ 38 cán bộ, chiến sĩ. Họ cho rằng phải xem xét kỹ các dự án ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) nói về vụ Đồng Tâm. Ảnh: LÊ THOA
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 1) cho rằng vụ việc bức xúc dẫn đến phản kháng quyết liệt kiểu “tức nước vỡ bờ” của hàng ngàn người dân ở xã Đồng Tâm đã cho thấy rõ ràng lợi ích của một dự án đang xung đột nghiêm trọng với đời sống người nông dân địa phương. Một vài người không chấp hành việc thu hồi đất khác hoàn toàn với việc hàng ngàn người cùng bức xúc đồng lòng phản ứng việc thu hồi đất.
Theo cử tri Châu, không chỉ riêng việc cưỡng chế đất ở xã Đồng Tâm mà việc Công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường biển hay dự án thép ở Cà Ná mới đây là minh chứng cho thấy Quốc hội cần tăng cường giám sát các dự án lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như phòng tránh các dự án lạm dụng danh nghĩa đầu tư vì mục đích quốc phòng, thiếu công khai, minh bạch.
Đồng quan điểm với cử tri Châu, cử tri Lê Thanh Tùng (quận 3) cho biết bản thân cảm thấy rất buồn khi xảy ra việc người dân bức xúc tột đỉnh dẫn đến bắt giữ 38 cán bộ, chiến sĩ công an. “Ban đầu tôi cũng thắc mắc tại sao họ lại làm như vậy? Mãi đến khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung xuống đối thoại mới nghe bà con nói rằng họ làm như vậy để trung ương thấy được, Quốc hội nghe được tiếng nói của họ… Tôi nghĩ nếu nghe quần chúng nói thì nhất quyết không xảy ra việc này. Vì vậy, tôi tin chắc trung ương đã thấy và rút ra được bài học kinh nghiệm” - ông Tùng nói.
Cử tri Lê Văn Sỹ (quận 4) cũng đồng tình đặt câu hỏi tại sao lại để vụ việc kéo dài cho đến khi người dân bức xúc đến mức bắt người và đây có thể sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch bôi xấu chế độ. "Phải xem xét kỹ các dự án có liên quan môi trường, đời sống người dân; công khai, minh bạch cho dân rõ” - cử tri Lê Văn Sỹ nêu ý kiến.