Tại Hội nghị toàn quốc về PCCC hôm qua (12-9), Thủ tướng gửi thông điệp đến các bộ, ngành, địa phương: Các cơ quan liên quan không làm ngơ với công tác PCCC, kiên quyết với các cơ sở đã hoạt động nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ...
Thông điệp này bắt đầu bằng hành động là Thủ tướng chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát công tác PCCC trên toàn quốc. Trong chỉ đạo của mình, Thủ tướng cũng đặt ra vấn đề tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn theo hướng là đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Không phải đến giờ Thủ tướng mới chỉ đạo siết công tác PCCC, mà thực tế trước đó đã có nhiều văn bản đốc thúc, yêu cầu tăng cường công tác phòng ngừa hỏa hoạn của Chính phủ, bộ, ngành nhưng cứ sau mỗi vụ cháy gây thiệt hại thì công tác này lại được nhắc đến nhiều hơn, quyết liệt hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân xảy ra cháy mà hậu quả của nó là thiệt hại vô cùng lớn về tính mạng, tài sản. Tuy chẳng ai mong muốn điều ấy xảy ra nhưng trong công tác quản lý nhà nước, đâu đó vẫn có tâm lý chủ quan rằng “sẽ không xảy ra” nên không xử lý mạnh tay, triệt để khi phát hiện vi phạm về PCCC.
Quy định của pháp luật về PCCC dù vẫn còn có điều đáng bàn nhưng về cơ bản vẫn tương đối đầy đủ. Nếu cán bộ làm công tác kiểm tra PCCC cương quyết với các vi phạm, cương quyết với các cơ sở, chung cư, công trình... chưa đáp ứng điều kiện, buộc tạm đình chỉ hoạt động tất cả cơ sở cho đến khi khắc phục xong thì sẽ ngăn ngừa hậu quả có thể xảy ra.
Về phía người dân, nhiều người vẫn còn tư tưởng đối phó với việc kiểm tra PCCC, thậm chí có chủ đầu tư còn coi nhẹ việc này, đối phó với cơ quan chức năng mà không trang bị công cụ PCCC tại chỗ. Vụ cháy chung cư Carina ở quận 8 (TP.HCM) là một ví dụ.
Xa hơn, trong vụ cháy tòa nhà ITC, cơ quan tố tụng cũng đã xử lý hình sự những người quản lý tòa nhà, cán bộ làm công tác quản lý PCCC về các tội danh, trong đó có tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng...
Tại Bình Dương, chỉ vài đêm kiểm tra đã có hàng chục cơ sở karaoke bị tạm đình chỉ, đình chỉ. Nếu mở rộng ra các chung cư, công trình, cao ốc... sẽ có nhiều nơi bị xử phạt, xử lý.
Đã có nhiều kiến nghị, giải pháp trong hội nghị để nâng cao năng lực về cứu nạn, cứu hộ, PCCC nhưng Thủ tướng chỉ rõ: Công tác quản lý nhà nước không ít nơi bị buông lỏng, lỏng lẻo; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật PCCC chưa nghiêm, nhiều nơi làm còn hình thức, chiếu lệ, qua loa..., chưa mang lại hiệu quả.
Chúng ta nên tư duy theo hướng: Cơ quan, cá nhân làm công tác kiểm tra PCCC, đặt ra các quy chuẩn, quy định về an toàn PCCC là nhằm giữ an toàn tính mạng của người dân nên chúng ta cần tuyệt đối tuân thủ theo các hướng dẫn của họ, từ đó mới có tâm thế ngăn ngừa, cảnh giác với các khả năng có thể gây ra cháy.
Một luật sư thẳng thắn thừa nhận: Lâu nay chúng ta quen với tư duy cấp/xin giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC là “chạy giấy phép” mà không hề quan tâm đến việc kiểm tra, duy trì những điều kiện đã được chứng nhận, cho đến khi hậu quả xảy ra. Và đó là tư duy đang khá phổ biến.
Vì vậy, nhất định chúng ta phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận về PCCC mới đảm bảo không còn xảy ra thảm nạn như những vụ vừa qua.