Cưỡng chế nhà vắng chủ: Vẫn có cách!

“Việc cưỡng chế, xử lý công trình vắng chủ trên thực tế khá phức tạp song vẫn có cách giải quyết thỏa đáng cho đôi bên” - đó là ý kiến của các nhà chuyên môn sau khi Pháp Luật TP.HCM ngày 20-12 thông tin về hai trường hợp xây sai phép tại quận Tân Bình.

Thận trọng để tránh phiền toái

Nếu công trình xây dựng không phép, vi phạm quy hoạch thuộc diện bị tháo dỡ thì có thể thực hiện được thủ tục cưỡng chế toàn bộ. Khi đó, chỉ cần niêm phong hiện vật và có người chứng kiến. Tuy nhiên, công trình xây sai phép rắc rối hơn vì tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế còn rất nhiều. Nếu chủ nhà vắng mặt sẽ rất phiền toái nếu sau này họ báo bị mất mát tài sản. Thêm nữa, phải có người tiếp nhận lại công trình vì không thể để dang dở, nham nhở sau khi tháo dỡ một phần.

Việc tháo dỡ một phần công trình lớn còn phải có phương án kỹ thuật, cần thiết có chữ ký của chủ nhà. Ngoài ra, chủ nhà hoặc người đại diện phải xác nhận phần diện tích sai phép để tránh khiếu nại cưỡng chế sai. Do hàng loạt yếu tố trên, sự thận trọng của cơ quan chức năng khi xử lý công trình vắng chủ là dễ hiểu.

Ông ĐOÀN NHẬT, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh

Có thể cưỡng chế vắng mặt

Quận 1 có một số công trình bị yêu cầu cắt ngọn do xây lố giấy phép. Các trường hợp này đều có mặt chủ nhà để hợp tác tiếp nhận công trình, trả chi phí lập phương án tháo dỡ, cưỡng chế.

Cưỡng chế nhà vắng chủ: Vẫn có cách! ảnh 1

Công trình số 2/2 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình xây lố giấy phép hơn 307 m2. Ảnh: HTD

Nếu không có sự hiện diện của chủ nhà, lực lượng chức năng vẫn thực hiện được thủ tục cưỡng chế. Đầu tiên là niêm yết quyết định cưỡng chế tại công trình. Quá trình tháo dỡ có người làm chứng như các ban ngành, tổ dân phố… Tài sản không bị tháo dỡ sẽ được kiểm kê công khai và niêm phong. Quận giao cho đơn vị có chức năng thực hiện và chịu trách nhiệm phương án tháo dỡ, sau đó hoàn thiện lại công trình. Chi phí này sẽ cộng vào chi phí cưỡng chế tháo dỡ do chủ nhà chi trả. Nếu không thu được khoản phí này, quận sẽ thực hiện kê biên tài sản. Đây là những quy định cơ quan chức năng được phép làm, do đó chủ nhà sẽ phải e dè mà xuất hiện để hợp tác.

Ông LƯU TRUNG HÒA, Phó Chủ tịch UBND quận 1

Thà tháo dỡ còn hơn để cả công trình lửng lơ

Mấy năm trước tôi có một công trình bị cắt ngọn ở quận 1. Do chủ quan sẽ hợp thức hóa được nên tôi xây lố tầng. Tuy nhiên, dư luận đã lên tiếng và cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ. Thời điểm đó trùng hợp tôi có việc ở nước ngoài nên không liên lạc được. Ngay sau khi về nước, tôi đã tự nguyện tháo dỡ phần sai phép mà không lấn cấn gì. Việc phải tháo dỡ khiến tôi thiệt hại mấy tỉ đồng nhưng số tiền này có thể kiếm lại được khi cho thuê công trình, còn hơn treo công trình ở đó vừa tai tiếng, vừa lãng phí vì giá trị đất và công trình còn lại lớn hơn nhiều.

Một chủ đầu tư đề nghị không nêu tên

Hai công trình có được nộp tiền “chuộc” vi phạm?

Điều 70 NĐ 121/2013 về xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng quy định: “Công trình xây dựng không phép, sai phép đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhưng đến ngày 30-11-2013 (ngày Nghị định 121/2013 có hiệu lực) nếu chưa thực hiện thì có thể được xử lý theo hướng mới. Đó là nộp tiền phạt để được tồn tại phần vi phạm”. Điều kiện để được nộp tiền thay vì tháo dỡ là: “Công trình không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng đến công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp”. Số tiền phải nộp bằng 40%-50% giá trị phần sai phép, tùy loại công trình. Nghị định không đặt vấn đề công trình vi phạm có phù hợp quy hoạch hay không.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn, bổ sung thêm yêu cầu “phần vi phạm xây dựng phải trong quy hoạch đất được xây dựng”. Số tiền phải nộp được tính bằng số m2 vi phạm nhân với giá trị 1 m2. Công trình có tính chất kinh doanh thì giá trị 1 m2 căn cứ vào hợp đồng mua bán đã ký với khách hàng.

Nếu thông tư này được ban hành, yếu tố then chốt quyết định hai công trình ở quận Tân Bình được nộp tiền hay phải tháo dỡ là phải “phù hợp quy hoạch”. Theo tìm hiểu của PV, giấy phép xây dựng của hai công trình trên đã cho phép đến mức “kịch trần”. Điều đó có nghĩa là phần vi phạm của hai công trình này không phù hợp quy hoạch.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm