Chiều 17-8, TAND TP tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ "đất vàng" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan, gây thiệt hại hơn 5.700 tỉ đồng.
Đại diện VKS xét hỏi ông Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, để làm rõ trách nhiệm của bị cáo này trong việc Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng trái phép khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú.
Ông Nam khai không nhớ rõ các công văn, văn bản mà Thường trực Tỉnh ủy giai đoạn 2011-2012 nhận được từ UBND tỉnh Bình Dương. Dù vậy, ông nhớ từng có một công văn Tỉnh uỷ gửi cho UBND tỉnh.
Nội dung công văn thống nhất chủ trương về quản lý doanh nghiệp Đảng trong tỉnh, giao cho Chủ tịch tỉnh quản lý các doanh nghiệp này. Trong đó, Tổng Công ty 3/2 là doanh nghiệp nhà nước, chịu sự chỉ đạo và quản lý của UBND tỉnh.
Bị cáo Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương |
Liền sau đại diện VKS, luật sư hỏi ông Nam có được ai báo cáo về việc bán khu đất 43 ha hay không? Cựu bí thư Tỉnh ủy khẳng định khi Công ty Kim Oanh (đơn vị cuối cùng nhận chuyển nhượng khu đất 43 ha) làm hàng rào bao quanh, ông mới biết đất nhà nước đã bị bán cho tư nhân.
Vẫn theo lời bị cáo, trước đó, ông chưa từng được kế toán trưởng Tổng Công ty 3/2 trao đổi về vấn đề đất đai. “Nếu tôi biết trước, chắc chắn không bao giờ có việc Tổng Công ty 3/2 bán đất cho doanh nghiệp” – bị cáo khẳng định.
Cựu bí thư khai thêm, sau khi biết việc chuyển nhượng 43 ha “đất vàng”, ông đã rất quyết liệt tổ chức các cuộc họp Thường trực Tỉnh uỷ để chỉ đạo thanh tra, điều tra vụ việc.
“Tôi thấy mình đã thiếu trách nhiệm”, ông Nam nói khi luật sư hỏi về trách nhiệm liên quan đến hai khu đất 43 ha và 145 ha. Bị cáo cũng khẳng định không chỉ đạo cấp dưới duyệt các văn bản liên quan khu đất 43 ha hay hợp thức hóa các công văn, giấy tờ liên quan.
Theo VKS, năm 2012 và 2013, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định giao hai khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng Công ty 3/2. Tuy nhiên, UBND tỉnh lại chấp thuận đơn giá tính tiền sử dụng đất tại thời điểm năm 2006 thay vì năm 2012. Hậu quả, Tổng Công ty 3/2 chỉ phải nộp hơn 29 tỉ đồng tiền sử dụng đất, thấp hơn 27 lần mức cần thu, khiến nhà nước bị thất thoát 761 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện cổ phần hóa, thay vì chuyển khu đất 43 ha về cho Công ty Impco (trực thuộc Tỉnh ủy) quản lý như phương án đã được phê duyệt, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2) lại chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất này cho Công ty Tân Phú. Tiếp đó, bị cáo Minh xin chủ trương từ Tỉnh ủy chuyển nhượng nốt 30% vốn góp của Tổng Công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Lẽ ra, các lãnh đạo tỉnh Bình Dương, bao gồm ông Trần Văn Nam phải yêu cầu Tổng Công ty 3/2 huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 ha để chuyển giao khu đất cùng với 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú về cho Công ty Impco. Thế nhưng, nhóm bị cáo lại đồng ý với đề xuất của Tổng Công ty 3/2 .
Được “bật đèn xanh”, Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Lúc này, toàn bộ quyền sở hữu khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú - là tài sản nhà nước – đã hoàn toàn rơi vào tay tư nhân. Cơ quan tố tụng xác định số tiền nhà nước bị thất thoát là hơn 984 tỉ đồng.
Bán nhà, bán cửa để khắc phục hậu quả
Khai tại tòa, bị cáo Võ Hồng Cường, chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng, cho biết tính đến nay, toàn bộ số tiền bị cáo buộc tham ô đã được bị cáo khắc phục.
Ông Cường trình bày từ năm 2019, khi có dư luận về việc mua bán 19% cổ phần của Tổng Công ty 3/2 không minh bạch, bị cáo đã tìm gặp một số luật sư, bạn bè làm trong ngành công an để nhờ tư vấn.
“Sau được tư vấn rằng cần phải dứt điểm hoàn trả lại 19% cổ phần, bị cáo đã cùng vợ chạy vạy, gõ cửa từng nhà. Bị cáo đã bán nhà, bán tài sản để khắc phục số tiền bị cho là tham ô. Trong vòng 6 tháng bị cáo chuyển trả hơn 700 tỉ đồng cho Tổng Công ty 3/2.
Vợ chồng bị cáo lúc đó lo lắng không ngủ được, tình hình công nợ lên đến 1.000 tỉ, lại phải chèo chống giữ việc làm cho 2.000 lao động”, ông Cường trình bày.
Bị cáo này cũng giải thích rằng việc mua lại cổ phần không phải vì động cơ vụ lợi, che giấu tội phạm mà chỉ “nhằm khắc phục cái sai”. Bị cáo khắc phục hậu quả từ tháng 11-2019, nhưng 3 năm sau mới bị khởi tố về tội tham ô tài sản.